Chiều 8/7, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn đã đi kiểm tra các điểm sạt lở và dự án kè chống sạt lở đang được triển khai trên địa bàn quận.
Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ dẫn đầu đã kiểm tra thực tế tại công trình xây dựng kè khắc phục sạt lở tuyến kênh Giáo Dẫn, khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc; dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An phía bờ phải, đoạn từ đầu rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu và khảo sát điểm sạt lở trên sông Ô Môn, gây chia cắt giao thông qua khu vực Thới Trinh B, phường Thới An.
Tuyến kênh Giáo Dẫn qua địa bàn phường Trường Lạc, quận Ô Môn xuất hiện nhiều điểm sạt lở trong các năm 2019, 2020; trong đó điểm sạt lở tại khu vực Tân Quy, phường Trường Lạc nghiêm trọng nhất. Điểm sạt lở này dài 160m, ảnh hưởng đến tuyến đường nhựa qua khu vực; trong đó đoạn sạt hoàn toàn hơn 15m, chỉ còn chỗ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi qua.
Tháng 12/2020, vị trí sạt lở này đã được triển khai xây dựng bờ kè với kinh phí hơn 14,8 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau một năm thi công. Đến nay, công trình đã được giải ngân 95% kinh phí trong khi tiến độ xây dựng đạt gần 59%.
Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An phía bờ phải, đoạn từ đầu rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu, phường Thới An được khởi công ngày 27/5 vừa qua. Đoạn kè có chiều dài 950m, có kết cấu bêtông, cốt thép, gồm các hạng mục: tường kè, lan can, vỉa hè, đường giao thông, cây xanh, hệ thống thoáng nước, chiếu sáng công cộng… Vỉa hè được thiết kế có chiều rộng 2m, đường giao thông phục vụ việc đi lại của người dân phía trong kè rộng 4m.
Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, đại diện chủ đầu tư, công trình được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 114,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; trong đó vốn Trung ương đầu tư 80 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách của thành phố Cần Thơ.
Tuyến kè sẽ được thi công trong thời gian 22 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2023. Sau khi xây dựng hoàn thành, công trình sẽ giúp khắc phục được tình trạng sạt lở tại khu vực, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị tại phường Thới An.
[Cần Thơ: Sạt lở bờ sông Ô Môn, chia cắt đường giao thông]
Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu Chi cục Thủy lợi, chủ đầu dự các dự án thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thực hiện các phần việc còn lại để sớm hoàn thành công trình, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện các thủ tục theo quy định để sử dụng vốn kết dư của công trình phục vụ gia cố bờ kênh, đoạn giáp công trình, nhằm phòng ngừa sạt lở, đảm bảo giao thông trên tuyến đường.
Tuyến kè chống sạt lở sông Ô Môn khu vực Thới An cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đóng cọc, đảm bảo xây dựng đúng thiết kế, chất lượng công trình; đặc biệt, trong quá trình thi công, đơn vị xây dựng phải quản lý chặt chẽ lực lượng công nhân, nhằm đảm bảo tốt trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chính quyền địa phương cũng tập trung giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Đối với điểm sạt lở dài 60m tại khu vực Thới Trinh B, phường Thới An xảy ra ngày 26/6, gây sụp đổ đường giao thông qua khu vực, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao Chi cục Thủy lợi sớm hoàn thành các thủ tục đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố phân bổ vốn để khẩn trương khắc phục sạt lở, trước mắt cần xây dựng kè tạm để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân, đồng thời bảo vệ an toàn cho các hộ dân sinh sống gần điểm sạt lở.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn quận cho biết: tuyến sông Ô Môn (phía bờ trái), đoạn đi qua phường Thới An và phường Thới Hòa với chiều dài khoảng 5km, thường xuyên xuất hiện sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao. Nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, nhà cửa của người dân. Ngành chức năng thành phố Cần Thơ đã lập dự án xây dựng kè và đưa vào danh mục công trình xây dựng khẩn cấp để phòng chống sạt lở.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế nên cần sự đầu tư, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để triển khai. Hiện chính quyền và người dân địa phương mong công trình sớm được khởi công nhằm hạn chế sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân./.