Cần tính toán kỹ để xây dựng sân bay Long Thành hiệu quả

Để xây dựng dự án này, các đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay chưa đến mức cấp thiết và còn nhiều băn khoăn về vốn trong tình trạng nợ công tăng cao hiện nay.
Cần tính toán kỹ để xây dựng sân bay Long Thành hiệu quả ảnh 1Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành.

Bày tỏ quan điểm về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên thảo luận tổ ngày 4/11, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương cần xây dựng cảng hàng không quốc tế này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, để xây dựng dự án này, các đại biểu cũng cho rằng hiện nay chưa đến mức cấp thiết và còn nhiều băn khoăn về vốn trong tình trạng nợ công tăng cao hiện nay.

Chưa thực sự cấp thiết

Từ thực tế đi sân bay Tân Sơn Nhất thấy khá nhiều chỗ trống, chưa đến mức quá tải, đại biểu Nguyễn Anh Dũng (đoàn Bắc Giang) cho rằng, lý do xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành để giảm ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất là chưa hợp lý, cấp thiết.

“Nếu coi đây là tạo cú hích cho đất nước là sân bay trung chuyển cho khu vực thì không đúng, bởi chắc chắn Việt Nam chỉ đi sau một số nước. Sân bay Long Thành khó cạnh tranh với sân bay ở Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ngay sân bay Nội Bài, và Tân Sơn Nhất còn bị kêu ca nhiều, trình độ quản lý không thể ngay một lúc mà từ thấp lên cao"- đại biểu Dũng nói.

Về hiệu quả kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, hệ số hiệu quả kinh tế IRR chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Vì IRR phụ thuộc nhiều vào doanh thu khi vận hành.

"Lượng khách có đúng như dự báo hay không. Dự đoán giai đoạn 1 là 49 triệu khách, giai đoạn 3 là 100 triệu khách có đúng hay không.”- đại biểu Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng cho rằng, khả thi của trung chuyển mấy chục triệu khách là rất khó. Nếu cạnh tranh với nội địa thì người ta sẽ chọn đi sân bay Tân Sơn Nhất.

Qua trao đổi với nhiều chuyên gia hàng không cho biết nếu sân bay Tân Sơn Nhất phát huy hết khả năng vẫn đảm bảo được nhu cầu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế để có căn cứ vững chắc hơn.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) lại cho rằng, không thể không xây dựng Sân bay Long Thành và đây là chủ trương cần thiết để góp phần cho đất nước phát triển nhưng vấn đề là xây dựng nó thế nào.

Đại biểu kiến nghị, cần làm rõ thêm lộ trình xây dựng xong ở giai đoạn 1 thì sau bao nhiêu năm Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển còn nếu chỉ như Tân Sơn Nhất hiện nay thì không thể được.

Ngoài ra, để trở thành sân bay trung chuyển thì cần phải đi đôi với chất lượng dịch vụ cho hành khách. Nếu phương án này không được chi tiết thì khó trở thành trọng tâm để thống nhât xây dựng cảng này.

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho biết đến sân bay Tân Sơn Nhất mới thấy xót xa vì thiếu sự quản lý, giữa quân sự, dân sự; quản lý bên trong, bên ngoài sân bay còn nhiều bât cập.

Thành phố Hồ Chí Minh giờ muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển, giải phóng nửa triệu dân, đây là con số khủng khiếp. Tuy nhiên, hạ tầng xung quanh sân bay này đều không thể đáp ứng được, giao thông dẫn đến sân bay đều tắc nghẽn nên việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi.

Đại biểu Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn về tính cấp thiết, nguồn vốn và hiệu quả đầu tư. Theo đại biểu, để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất nếu cho chủ trương xây dựng Long Thành thì chắc chắn phải làm. Nhưng nếu như bắt đầu xây dựng xong Cảng Long Thành thì Tân Sơn Nhất liệu có đến 50 triệu khách không hay chỉ là 22 triệu khách. Vậy lúc đó khai thác sân bay Tân Sơn Nhât thế nào. Vì vậy, dự án này chưa rõ được tính cấp thiết.

Vẫn băn khoăn về vốn

Cũng theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình nợ công việc xây dựng sân bay ở giai đoạn 1 cũng sẽ ảnh hưởng đến nợ công của đất nước. Các báo cáo cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhưng đại biểu cho rằng chưa thuyết phục vì chiến lược nợ công vào trong năm 2016 là 60-64% và tiến tới giảm dần vào năm 2020. Từ năm 2016-2025 mà vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 gần 8 tỷ USD. Nếu triển khai dễ dẫn đến tình trạng đội vốn. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tính toán phương án vốn NSNN đổ vào sân bay Long Thành chỉ được dưới 20% còn nếu là 50/50 thì sẽ dẫn đến tăng nợ công.

Đại biểu Trần Văn Lan (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần xây dựng ở mức độ nào vì trong lúc tiền ngân sách cân đối khó khăn và nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì mức an toàn không cao. Đại biểu đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay này nhưng phải đầu nhưng ở mức độ nào đó và với thời gian kéo dài ra để huy động được nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề xuất, trong lúc nợ công khó khăn nhưng nếu không làm, không quy hoạch và không giải toả mặt bằng thì sắp tới lại giống sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, phải có chủ trương thống nhất xây dựng và chốt ngay ranh giới sân bay ngay từ bây giờ. Trong điều kiện chưa đầu tư được thì có thể xây dựng cho kế hoạch ngắn hạn. Còn nếu không chốt sẽ dẫn đến tình hình ngày càng càng phức tạp về vấn đề đền bù đất đai nên phải giải tỏa, đền bù cắm mốc để giữ mốc xây dựng sân bay trong tương lai.

Cũng về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (đoàn Thanh Hóa), việc bao giờ thực hiện và đầu tư khi nào thì vẫn chưa được nêu rõ trong báo cáo đầu tư vì mới ở giai đoạn xin chủ trương, chưa lập báo cáo khả thi. Như vậy, không biết là năm 2017 hay 2020 mới bắt đầu.

Theo ông Hiếu, “không nên vội vàng, cần thì hai đoạn từ 2015-2020 để chuẩn bị đầu tư và 2020 làm thì chắc chắn. Khi đó kinh tế ta khá hơn nhiều rồi, khởi công thì chắc chắn hơn. Các nước khi đó cũng nhìn thấy triển vọng lớn hơn ở Việt Nam thì họ sẽ dễ thuyết phục, tham gia hơn.”

Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu nói thêm: "Cùng đó, phương pháp làm cũng phải tính toán. Cả dự án Long Thành tới 5.000ha mà giải phóng mặt bằng cùng lúc thì cũng khó khăn. Bởi vậy, cần phải tính toán theo từng giai đoạn vì nếu chưa dùng đến thì phải để cho bà con canh tác chứ không thì lãng phí"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục