Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có một số trường hợp đồng nhiễm sốt rét nên việc điều trị phải rất sát sao, cẩn trọng.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện tiến hành tầm soát và phát hiện 15 trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét có thể gây bệnh sốt rét ác tính.
Trong số này, có 6 người đồng nhiễm cả ký sinh trùng sốt rét lẫn COVID-19; 9 người còn lại tuy âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn được cách ly, theo dõi chặt chẽ.
[Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ 9 tử vong liên quan COVID-19]
Dự đoán trong những ngày tới, số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính có thể tăng lên.
Lý giải về vấn đề này, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Giang cho hay nguyên nhân là do có thể bệnh nhân đã nhiễm ký sinh trùng từ trước nhưng vì đang ở trong vùng dịch tễ sốt rét, ảnh hưởng của miễn dịch cơ thể nên chưa phát ra các triệu chứng. Hiện các bệnh nhân đã ra khỏi vùng dịch tễ bệnh nên số ca nhiễm sốt rét sẽ tăng lên.
Hàng năm có rất nhiều người lao động Việt Nam từ châu Phi về, đến khám tại bệnh viện và phát hiện ra bệnh sốt rét. Do đó, lần này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó, trong đó đề nghị phải lưu ý tình trạng sốt rét với các ca bệnh từ châu Phi về bởi vùng dịch tễ bệnh ở đây còn khá lớn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đồng thời chuẩn bị hóa chất xét nghiệm, thuốc điều trị sốt rét để tầm soát, phát hiện và điều trị ngay các ca bệnh sốt rét.
Người nhiễm ký sinh trùng sốt rét có thể bị sốt rét ác tính, nếu phát hiện sớm, điều trị ngay từ khi chưa có triệu chứng sẽ hạn chế bệnh tiến triển nặng, cũng là góp phần điều trị thành công COVID-19, hạn chế việc các bệnh nhân đồng nhiễm cả 2 bệnh đi vào diễn biến nặng.
Trong quá trình cách ly 14 ngày, các bệnh nhân vẫn được tiến hành theo dõi, tầm soát cả sốt rét và COVID-19, chỉ cần phát hiện triệu chứng sốt nhẹ là bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm tìm kí sinh trùng sốt rét và điều trị ngay nếu mắc bệnh.
Các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng sốt rét đều được điều trị bằng thuốc đặc hiệu, đáp ứng khá tốt tốt với thuốc bệnh viện cung cấp.
Cụ thể, các triệu chứng lâm sàng đã giảm, hầu như không còn, mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu theo dõi hàng ngày cho thấy có xu hướng giảm. Có 3/6 bệnh nhân đã sạch ký sinh trùng sốt rét trong máu.
Bệnh nhân vẫn được theo dõi theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, tiếp tục dùng thuốc để tránh tái phát về sau.
Các bệnh nhân đồng nhiễm sốt rét và COVID-19 có nhiều tạng bị tổn thương hơn so với người chỉ mắc COVID-19, đặc biệt có người bị tổn thương gan rất nặng nề, men gan tăng rất cao, có người kèm thêm rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm…
Do đó, việc điều trị sẽ khó khăn hơn so với các bệnh nhân COVID-19 thông thường.
Thuốc sử dụng cho các ca bệnh đồng nhiễm phải được xem xét kỹ lưỡng để tránh tương tác giữa các thuốc điều trị COVID-19 và sốt rét.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân phải được tiến hành hàng ngày, nhất là xét nghiệm đánh giá ký sinh trùng trong máu. Nếu chỉ mắc COVID- 19 thông thường sẽ không phải tiến hành nhiều xét nghiệm như vậy./.