Sau khi tiếp nhận bàn giao Cảng Quy Nhơn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng đồng thời rót vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chú trọng năng lực xếp dỡ cho cảng, bến kho bãi và cải tạo luồng lạch...
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vinalines kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
- Hiện tại, Vinalines đã tiếp quản Cảng Quy Nhơn ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Anh Tuấn: Thực hiện Kết luận 1566 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Vinalines đã tích cực làm việc với nhà đầu tư Công ty Hợp Thành nhằm thống nhất các nội dung liên quan đến công tác chuyển giao 75,01% vốn điều lệ Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
Cuối tháng Năm vừa qua, Vinalines đã trở thành cổ đông lớn sở hữu 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn và chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành tại Đại hội đồng cổ đông Cảng Quy Nhơn vào ngày 29/6 vừa qua.
Sau khi tiếp nhận quyền quản lý, điều hành Cảng, Vinalines đã kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Cảng Quy Nhơn bao gồm thay đổi toàn bộ các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc điều hành cảng.
[Vinalines đã chuyển tiền để mua lại 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn]
Đối với bộ máy hoạt động hiện tại, trước mắt Vinalines vẫn giữ nguyên hiện trạng, tuy nhiên trong thời gian tới, sẽ thuê đơn vị tư vấn để đánh giá lại.
Trên cơ sở đó, Vinalines tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức của Công ty như xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ phù hợp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp tổ chức sử dụng lực lượng lao động hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong quản lý lao động công ty, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của đơn vị.
- Cảng Quy Nhơn có nhiều tiềm năng khi có địa thế thuận lợi và là nơi trung chuyển hàng hóa của các vùng miền. Tuy nhiên, sau khi bàn giao, Cảng sẽ đối mặt với những khó khăn gì?
Ông Phạm Anh Tuấn: Cảng Quy Nhơn thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1), là cửa ngõ ra biển gần nhất thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Cảng nằm tiệm cận với tuyến đường hàng hải quốc tế nên rất thuận tiện cho tàu biển nước ngoài ra vào vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, từ Cảng Quy Nhơn có thể đi thẳng đến các cảng biển lớn trong khu vực châu Á.
Ngoài ra, cảng Quy Nhơn nằm trong vịnh Quy Nhơn, có bán đảo Phương Mai che chắn, thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng quanh năm. Luồng vào Cảng chỉ dài 6,3km và có độ sâu -11m, cùng với hệ thống phao tiêu hoàn chỉnh nên nếu được quan tâm đầu tư hợp lý thì Cảng hoàn toàn có thể tiếp nhận được các dòng tàu tải trọng lớn để tăng khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho khách hàng, nâng tầm Cảng Quy Nhơn lên vị thế mới.
Mặt khác, tỉnh Bình Định đang rất tập trung thu hút các nhà đầu tư vào các Khu công nghiệp (Becamex, Nhơn hội, Nhơn Bình, …) nên trong tương lai cảng Quy Nhơn sẽ là nơi đáp ứng mọi nhu cầu xuất nhập hàng hóa tại các địa điểm này.
Tuy nhiên, vấn đề mất cân đối nguồn hàng xuất khẩu và nhập khẩu bằng container (không đủ container rỗng để xuất hàng) khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí so với địa phương khác (để chuyển rỗng từ nơi khác về). Theo năng lực hiện tại, khả năng đáp ứng của Cảng Quy Nhơn trung bình 250.000 Tues/năm nhưng lượng hàng hiện tại chỉ dao động từ 130.000-150.000 Tues/năm nên chưa khai thác hết năng lực hiện có của Cảng.
Phía thượng nguồn thường đổ về lượng lớn phù sa làm ảnh hưởng đến luồng hàng hải, độ sâu cầu bến trước bến của Cảng buộc cảng phải thường xuyên nạo vét để đảm bảo độ sâu chuẩn tắc thiết kế. Trước kia, khu vực nước trước bến trung bình 5 năm mới nạo vét nhưng nay từ 1-2 năm phải nạo vét.
Hiện nay xu hướng chủ hàng sử dụng các dòng tàu lớn, chiều dài tàu trên 200m để tiết giảm chi phí vận tải trong khi Cảng Quy Nhơn chỉ cho phép tiếp nhận tàu dưới 200m nên cũng ảnh hưởng không nhỏ.
- Vinalines sẽ “rót” vốn để đầu tư những điểm yếu vốn là nút thắt hạ tầng vế đường dài cầu cảng và khó thu hút được tàu hàng cập Cảng hay không?
Ông Phạm Anh Tuấn: Vinalines sẽ từng bước thực hiện việc đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng để có thể thu hút nguồn hàng và tiếp nhận những cỡ tàu lớn hơn, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và sản xuất phù hợp với định hướng của công ty mẹ Vinalines, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nội bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm tốt công tác khách hàng.
Ngoài ra, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh hợp tác liên doanh với đối tác để khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng, phát triển thị phần vận tải bộ, tăng trưởng dịch vụ cung ứng xăng dầu,..
Sau cổ phần hóa, doanh thu bình quân của cảng Quy Nhơn đạt 552,3 tỷ đồng/năm, tăng gần 47,47% so với giai đoạn trước cổ phần hóa (chỉ đạt 374,5 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận trước thuế tăng gần 330% từ 20,7 tỷ đồng/năm lên hơn 89 tỷ đồng/năm.
Để duy trì sự tăng trưởng này, Vinalines sẽ chỉ đạo thông qua những người đại diện phần vốn tại Cảng thực hiện những công việc như tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới làm điểm gom hàng hóa từ các địa phương, phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng đáp ứng tốt nhất các mục tiêu xây dựng cảng biển hiện đại để rút ngắn thời gian khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, tập trung nguồn lực để hoàn thiện năng lực xếp dỡ cho cảng, đồng thời nghiên cứ đầu tư mở rộng nhằm nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Mục tiêu sản lượng hàng hóa, doanh thu năm nay đã được Vinalines đặt ra và thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Sản lượng thông qua cảng là 8,9 triệu tấn, trong đó hàng container 145.000 Teus; tổng doanh thu 770 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng.
[Vinalines yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ cảng Quy Nhơn]
Trên cơ sở quy mô mở rộng cảng được các cấp phê duyệt, Vinalines sẽ xem xét việc đầu tư thêm vốn vào cảng Quy Nhơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả khai thác góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và khu vực.
- Vinalines đã thương lượng và chốt được con số chi phí trả cho nhà đầu tư là Công ty khoáng sản Hợp Thành bỏ ra thêm để đầu tư về cơ sở vật chất của cảng Quy Nhơn?
Ông Phạm Anh Tuấn: Tới thời điểm này, hai bên đã hoàn tất công tác chuyển giao quyền quản lý và điều hành Cảng Quy Nhơn. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay Công ty Hợp Thành đang thực hiện tính toán giá trị lợi ích của nhà đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ chuyển cho VIMC xem xét rà soát có ý kiến thống nhất và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
- Xin cảm ơn ông./.