Căng thẳng Nga-Ukraine khiến kinh tế Pháp đối mặt cú sốc mới

Căng thẳng ở Ukraine đang gây ra sự leo thang về giá hàng hóa, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến kinh tế Pháp đối mặt cú sốc mới ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo Le Monde nhận định, vừa thoát ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất do đại dịch COVID-19 gây ra kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế Pháp lại đang chuẩn bị phải đối mặt với một cú sốc lớn mới.

Căng thẳng ở Ukraine đang gây ra sự leo thang về giá hàng hóa, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Xung đột làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và đẩy thế giới vào một tình trạng bất định hiếm thấy.

Giả định tăng trưởng 3,6% cho năm 2022 của Pháp, được Cơ quan thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) đưa ra vào tháng Giêng, dường như đã trở nên lỗi thời.

Giờ đây, trung tâm nghiên cứu Rexecode của nước này đánh giá căng thẳng ở Ukraine có thể sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp mất từ 0,7 đến 1 điểm phần trăm.

Lạm phát, một mối đe dọa lớn

"Việc tăng giá dầu, khí đốt và nguyên liệu thô đã và sẽ gây ra những hậu quả đối với sức mua của con người. Sắp tới, giá một bình gas, số tiền chi cho hóa đơn sưởi ấm và giá thành của một số sản phẩm có thể sẽ cao hơn," Tổng thống Emmanuel Macron đã dự báo điều này trong bài phát biểu mới đây của ông trước công chúng.

[Bộ trưởng Kinh tế Pháp cảnh báo nguy cơ lặp lại cú sốc dầu mỏ 1973]

Theo tính toán của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, hóa đơn trung bình hàng năm của các hộ gia đình Pháp sẽ đạt mức 2.800 euro/hộ vào năm 2022, tức là nhiều hơn 400 euro/hộ so với hồi năm 2021. Trong đó, năng lượng chiếm khoảng 9%, với mức chênh lệch khác nhau đáng kể tùy thuộc vào nơi cư trú.

Thêm vào đó là sự tăng giá của các sản phẩm thực phẩm do sự leo thang nhanh chóng của giá nguyên liệu thô nhập khẩu chủ yếu từ Nga hoặc Ukraine, đặc biệt là lúa mỳ và dầu hướng dương.

Theo dự báo, tốc độ lạm phát của Pháp, hiện đang ở mức 3,6% trong tháng Hai, tức là trước khi bắt đầu căng thẳng ở Ukraine, sẽ tăng nhanh, dự kiến khoảng 4%, theo tính toán của Philippe Waechter, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Ostrum.

Tiêu dùng ở mức nửa tiềm năng, tiết kiệm ở mức cao nhất

"Các hộ gia đình đang tiếp cận cú sốc lạm phát mới này với một lá chắn bảo vệ qua tiết kiệm," theo quan sát của Olivier Garnier, Giám đốc điều hành về số liệu thống kê của ngân hàng trung ương Banque de France.

Vào cuối năm 2021, tổng số tiền tiết kiệm của người Pháp đã đạt mức cao nhất là 221 tỷ euro, so với mức 156 tỷ vào năm 2019. Và đó sẽ là nguồn mà người dân có thể dựa vào để bù đắp cho sự tăng giá của chi phí sinh hoạt.

Mặc dù vậy, do lo ngại về tình hình bất ổn hiện nay, "các hộ gia đình sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu, đặc biệt là trong những lĩnh vực mang tính chất giải trí.

Bên cạnh đó, họ sẽ duy trì tỷ lệ tiết kiệm ở mức rất cao," Stéphane Colliac, chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP-Paribas giải thích và cảnh báo hệ quả của xu hướng "thắt lưng buộc bụng" này là tiêu dùng bị đình trệ, vốn không phải là tín hiệu tốt cho sự phục hồi kinh tế.

Các công ty có nguy cơ giảm các khoản đầu tư

"Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Pháp thông qua ba kênh chính, đó là năng lượng và nguyên liệu thô, tài chính và đầu tư trực tiếp, xuất khẩu," Denis Ferrand, chuyên gia kinh tế tại Rexecode, nhận định.

Giống như các cá nhân, các công ty sẽ phải gánh chịu toàn bộ gánh nặng của việc tăng giá năng lượng.

"Rất ít ngành thoát khỏi sự ảnh hưởng này," Bruno de Moura Fernandes, chuyên gia kinh tế tại công ty bảo hiểm tín dụng Coface, cảnh báo.

"Chúng ta sắp có một cú sốc về chi phí sản xuất lớn, những công ty mong manh nhất có thể gặp nhiều khó khăn."

Ông Bruno de Moura Fernandes cũng dự đoán về "những tác động đáng kể đến các sản phẩm hóa dầu và phân bón." Giá nhiên liệu tăng cũng làm tăng chi phí vận tải cho các nhà sản xuất, vốn đã tăng vọt trong thời gian đại dịch.

Về thương mại, Pháp không thực sự chịu tác động mạnh lắm vì Nga và Ukraine chỉ chiếm phần nhỏ trong hoạt động thương mại của nước này. Mặt khác, Pháp "chỉ phụ thuộc vào một số nguyên liệu thô nhất định như nhôm, nickel" mua từ các nước này, ông Fernandes cũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên đối mặt với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và chiến tranh, các công ty cũng sẽ hạn chế các khoản đầu tư chưa cần thiết.

Ông Denis Ferrand giải thích: "Họ có tiềm lực tài chính tốt, nhưng họ phải chịu rủi ro cho việc giảm chi phí và các khoản đầu tư của mình, đặc biệt khi nhiều công ty đã mua bảo hiểm để bảo vệ mình trước trước việc giá năng lượng tăng cao."

Trên thực tế, các công ty đã đầu tư rất nhiều trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng, giờ đây họ có thể phải suy nghĩ kỹ trước khi tiếp tục mở hầu bao.

Thật khó để hình dung mức tăng kỷ lục trong đầu tư kinh doanh trên 12% vào năm 2021 sẽ lặp lại trong thời gian tới.

Và đặc biệt, ông Ferrand cho biết thêm "về lâu dài, chúng ta có thể thấy một sự thay đổi lớn, đó là các khoản đầu tư ưu tiên cho quá trình chuyển đổi năng lượng dường như không còn quá cấp thiết nữa."

Cuối cùng, Pháp sẽ không chỉ chịu tác động trực tiếp từ những căng thẳng tại Ukraine mà còn bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại của các đối tác chính của họ. Pierre Benadjaoud, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn ngân hàng bán lẻ Crédit Agricole, lưu ý: "Sự sụt giảm hoạt động ở Đức sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho các nhu cầu đối với Pháp."

Theo chuyên gia Philip Lane, kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.