Căng thẳng nguồn cung bán dẫn có thể kéo dài hết năm 2022

Rohm, cùng với các công ty trong ngành sản xuất chip như Infineon Technologies AG cảnh báo rằng, tình hình căng thẳng trong chuỗi cung ứng chip có thể sẽ kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán.
Căng thẳng nguồn cung bán dẫn có thể kéo dài hết năm 2022 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: rohm.com)

Công ty sản xuất chip Rohm Co. của Nhật Bản cho biết, các chất bán dẫn quan trọng cho ôtô và máy móc công nghiệp có thể sẽ vẫn bị thiếu hụt ít nhất là suốt năm 2022, làm tăng thêm những cảnh báo đáng quan ngại về khả năng các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.

Giám đốc điều hành Rohm Co., Isao Matsumoto cho biết, nhà sản xuất chip có trụ sở tại Kyoto này cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên liệu chính cũng như một dây chuyền sản xuất đầy đủ.

Rohm Co., có một loạt khách hàng lớn bao gồm hãng sản xuất ôtô Toyota Motor Corp., Ford Motor Co. và Honda Motor Co., bắt đầu tăng công suất sản xuất chip vào tháng 9/2020 và có kế hoạch chi thêm 70 tỷ yen (636 triệu USD) trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2022).

Tuy vậy, hiệu quả từ các khoản đầu tư này sẽ không phát huy ngay lập tức vì phải mất nhiều thời gian hơn để máy móc sản xuất đến được tay công ty này.

[Ngành ôtô bị ảnh hưởng nặng nề nhất do gián đoạn chuỗi cung ứng]

Ông Matsumoto cho biết, tất cả cơ sở sản xuất của Rohm đã hoạt động hết công suất kể từ tháng 9/2020 nhưng các đơn đặt hàng từ khách hàng đang quá tải.

Ông Matsumoto cho rằng, công ty khó có thể hoàn thành tất cả các đơn hàng tồn đọng trong năm tới.

Rohm, cùng với các công ty trong ngành sản xuất chip như Infineon Technologies AG cảnh báo rằng, tình hình căng thẳng trong chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện, cộng với những trở ngại trong hoạt động vận chuyển, đã buộc các nhà sản xuất ôtô toàn cầu phải cắt giảm hoặc tạm ngừng sản xuất trong những tuần gần đây.

Hãng sản xuất ôtô số một Nhật Bản Toyota Motor tuần trước cho biết sẽ tạm dừng sản xuất tại 14 nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.