Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết y tế dự phòng là hoạt động quan trọng của ngành y tế, gắn với công tác phòng chống dịch bệnh, y tế trường học, vắcxin...
Thời gian qua, với quan điểm “tích cực, chủ động," y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận là nước có đủ năng lực giám sát, cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời các dịch bệnh mới nổi, các sự kiện y tế công cộng khác.
Khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ đến nay, y tế dự phòng đã phát triển thành một hệ thống đồng bộ với các đơn vị chuyên ngành được trang bị hiện đại. Đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có đủ năng lực đáp ứng các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi cũng như nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các biện pháp dự phòng tiên tiến và đã đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhấn mạnh Việt Nam vinh dự được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công đại dịch SARS sau 45 ngày phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Việt Nam cũng đã chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh, không để xâm nhập trong khi các nước trong khu vực có dịch như cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola...
Trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Khu vực Tây Thái Bình Dương thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2010.
Năm 2013, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR). Với những thành công đó, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được Chính phủ Hoa Kỳ chọn thí điểm tham gia Mạng lưới an ninh y tế toàn cầu. Công tác phòng chống lao, sốt rét, HIV cũng được được bảo đảm và đạt các kết quả tích cực, là cơ sở để Việt Nam được các nước mời chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đầy đủ, kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em trong độ tuổi đến trường tại các trường học. Vai trò của công tác y tế trường học bước đầu được chú trọng hơn; tập trung vào chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong trường học. Y tế học đường cũng là nơi đầu tiên sơ cấp cứu cho học sinh trong những trường hợp các em ốm hoặc tai nạn thương tích tại trường trước khi chuyển viện. Cán bộ y tế trường học cũng là người tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường.
Trong năm 2016, công tác kiểm soát và phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Việt Nam đã không ngừng được nâng cao và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Dịch cúm A/H5N1, viêm màng não do não mô cầu, sởi, rubella và một số bệnh truyền nhiễm khác như tả, sốt rét, tiêu chảy, dịch hạch đã được khống chế trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng như thay đổi về khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến chủng của vi sinh vật gây bệnh, sự giao lưu ngày càng gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, một số bệnh truyền nhiễm đã được khống chế vẫn có nguy cơ gia tăng như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Có sự gia tăng số trường hợp nhiễm virus Zika ở khu vực miền Nam do khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên có muỗi vằn (Aedes aegypti) lưu hành thường xuyên với mật độ cao.
Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cao
Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho biết chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% xã, phường, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh có vắcxin phòng ngừa cũng như thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm.
Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững giúp thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm được tỷ lệ mắc những bệnh truyền nhiễm nhiễm khác. Hệ thống quản lý vắcxin trong nước đạt chuẩn quốc tế khi Việt Nam sản xuất được 10/12 loại vắcxin tiêm chủng mở rộng.
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỷ lệ mắc, chết vì các bệnh đã có vắcxin nằm trong tiêm chủng mở rộng tiếp tục giảm. Công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng được tăng cường và hoạt động có hiệu quả; đặc biệt là giám sát bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và sởi.
Đến hết tháng 10/2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 83,4%, đạt tiến độ yêu cầu (75%) trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ tiêm vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 79,1%; tỷ lệ trẻ tiêm vắcxin DPT4 (vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4) đạt 77,9%, đạt yêu cầu và tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Tiếp nối thành công chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella năm 2014-2015, tháng 6/2016 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho đối tượng nam nữ 16-17 tuổi trước khi bước vào đại học và đi làm.
Kết thúc chiến dịch, gần 1,8 triệu người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi đã được tiêm phòng vắcxin sởi-rubella, đạt tỷ lệ 94,9%. Nhờ đó, trong năm 2016, cả nước chỉ ghi nhận 34 ca mắc sởi, giảm 442 lần so với năm 2014 và giảm 8 lần so với năm 2015.
Bên cạnh đó, để duy trì thành quả thanh toán bại liệt, tháng 7/2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức thành công chiến dịch uống vắcxin bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn 120 huyện có nguy cơ cao thuộc 19 tỉnh/thành phố, đạt tỷ lệ 95,3%.
Đặc biệt, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 5/2016, Việt Nam cùng với 155 quốc gia thực hiện chuyển đổi từ vắcxin bại liệt 3 tuýp sang sử dụng vắcxin 2 tuýp (bOPV) để hướng tới mục tiêu thanh toán bại liệt trên toàn cầu.
Bộ Y tế đã quyết định ngừng sử dụng vắcxin bại liệt 3 tuýp (tOPV) từ ngày 1/5/2016 và chuyển sang sử dụng vắcxin bại liệt 2 tuýp (bOPV) từ tháng 6/2016.
Kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ gây dịch bệnh
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh bên cạnh những thành tựu đã đạt được, y tế dự phòng cũng đang phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức do mặt trái của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tác động của toàn cầu hóa, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, thời gian qua tình hình dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, bệnh không rõ nguyên nhân liên tục xuất hiện trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm vẫn ở mức cao, ngày càng khó kiểm soát do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan như sự giao lưu đi lại, đô thị hóa... tiếp tục là thách thức đối với ngành y tế nói chung và hệ thống y tế dự phòng nói riêng.
Để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, y tế dự phòng cần có sự đổi mới về hệ thống tổ chức; y tế dự phòng không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy cơ, trọng tâm là vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, thông tin, giáo dục truyền thông, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân...
Hiện nay, trước sự gia tăng số trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại khu vực phía Nam, ngành y tế tiếp tục triển khai giám sát, theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, chủ động dự phòng các trường hợp mắc mới và dự phòng trẻ mắc chứng đầu nhỏ trong bối cảnh có Zika.
Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống sản khoa, nhi khoa tiếp tục triển khai quyết liệt sàng lọc, giám sát chứng đầu nhỏ trước và sau sinh, quản lý tốt thai nghén đặc biệt phụ nữ mang thai có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết…/.