Theo thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này vừa xử trí một trường hợp hóc dị vật nhưng sau đó dị vật "di cư" ra vùng cổ gây biến chứng, tạo nên khối ápxe.
Dị vật "di cư" ra vùng cổ là một tai nạn khá hiếm gặp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nhưng lại đến từ những tai nạn xảy ra khá thường là bị hóc.
Sáu tháng trước, sau khi tham dự tiệc cưới tại nhà, T.B.T (17 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) cảm thấy nuốt vướng.
Một thời gian sau, em phát hiện nổi hạch ở khu vực dưới tai bên phải, đồng thời bị sốt. Khám tại bệnh viện địa phương, các bác sỹ nghi ngờ T bị viêm hạch và kê thuốc uống điều trị nhưng tình trạng sưng, viêm liên tục tái đi tái lại, cục sưng dần di chuyển xuống cằm.
Lo ngại nguy cơ ung thư, bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra. Tại đây, các bác sỹ phát hiện dị vật trong khối u và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Tai Mũi Họng.
Các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng ghi nhận bệnh nhân có 1 khối sượng cứng đường kính 3cm vùng dưới cằm bên phải, ấn đau nhẹ. Hình ảnh CT-Scanner cho thấy có một dị vật dài 16mm ở sàn miệng phải, có dấu hiệu viêm sàn miệng, viêm lan xuống khu vực dưới cằm. Bệnh nhân được chẩn đoán có dị vật sàn miệng, biến chứng ápxe mô mềm xung quanh.
Các bác sỹ đã thực hiện phẫu thuật mở vùng sàn miệng, dẫn lưu ápxe và lấy dị vật là xương cá ở vùng sàn miệng có kích thước 16mm. Sau mổ, tình trạng đau giảm dần, vết mổ khô nhanh và bệnh nhân được xuất viện sau 1 tuần điều trị.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hóc xương cá là tai nạn sinh hoạt thường gặp. Mỗi năm, Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận hơn 3.000 trường hợp đến khám vì hóc dị vật, trong đó có 84% là hóc xương cá, kế tiếp là hóc xương gà, xương lợn...
[Đà Nẵng: Nội soi gắp đinh sắt dài 3cm trong phế quản bệnh nhân]
Đa số các vị trí hóc dị vật thường gặp ở vùng họng và hạ họng, sẽ được xử trí đơn giản bằng nội soi. Tuy nhiên, có những trường hợp dị vật không mắc ở đường ăn mà di chuyển đến các vùng xung quanh như sàn miệng, dưới da vùng cằm, vùng cổ, tuyến giáp… gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị.
Dị vật "di cư" thường gặp là những dị vật sắc nhọn như xương cá, cọng kẽm, cây tăm… sau khi rơi vào đường ăn sẽ xuyên qua thành thực quản di chuyển ra vùng cổ.
Trong 7 tháng năm 2023, Bệnh viện Tai Mũi Họng tiếp nhận 9 trường hợp dị vật di cư ra vùng cổ.
"Các dị vật 'di cư' ra các khu vực khác thường gây ra các biến chứng như thủng thực quản, viêm trung thất, biến chứng mạch máu, ápxe cổ. Đặc biệt, khu vực vùng cổ nhiều mạch máu lớn, dị vật có thể làm vỡ động mạch, gây hoại tử và xuất huyết,” bác sỹ Lê Trần Quang Minh cho hay.
Bác sỹ Lê Trần Quang Minh khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa nguy cơ hóc dị vật như: tránh hóc xương khi ăn cá, gỡ hết xương trong phần ăn của trẻ em; không cười đùa trong khi ăn; nếu nghi hóc xương, hóc dị vật thì phải đi thăm khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa./.