Ngoài việc vào các trang web chính thống tra cứu phương tiện có bị phạt nguội vi phạm giao thông hay không, người dân cũng cần cảnh giác trước các chiêu lừa đảo thông báo phạt nguội và chỉ nộp phạt khi có thông báo bằng văn bản tới chủ xe.
Gọi điện lừa người nhẹ dạ
Trong thời gian vừa qua, nhiều kẻ lạ mặt thường sử dụng điện thoại giả danh là Cảnh sát giao thông, cơ quan bưu điện... gọi điện đến điện thoại của người dân để thông báo về việc có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người nghe điện thoại, nhận tin nhắn kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của kẻ lừa đảo, hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội. Kẻ lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Trên thực tế, có những người chưa bao giờ bị xử phạt nguội vi phạm giao thông nên có tâm lý lo lắng. Khi mất cảnh giác, rất có thể họ sẽ làm theo hướng dẫn của các đối tượng này và bị mất tiền oan.
[Cảnh báo về hành vi lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại dịp cuối năm]
Trên thực tế, việc lừa đảo qua điện thoại không mới. Đã có rất nhiều trường hợp kẻ gian gọi điện giả mạo cơ quan công an thông báo về một vụ án; nhân viên viễn thông đòi nợ cước... với những chiêu thức lừa đảo tinh vi nhằm trục lợi bất chính.
Giải quyết phạt nguội thế nào?
Về vấn đề này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay, theo các quy định hiện hành, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (hay còn gọi là phạt nguội).
Ngoài ra, chủ phương tiện có thể được công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của Cảnh sát giao thông; hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm để xử lý.
Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông ra thông báo để làm việc.
“Cục Cảnh sát giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào,” đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định.
[Hà Nội triển khai dán phạt nguội các phương tiện dừng, đỗ trái phép]
Trường hợp quá thời hạn hẹn đến làm việc mà chủ phương tiện hoặc người điều khiển không đến làm việc, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo số xe vi phạm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi xe đến thời hạn đăng kiểm, chủ phương tiện buộc phải thực hiện việc nộp phạt theo quy định mới tiến hành đăng kiểm.
Phía Cục Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Người dân không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email)... cho bất kỳ ai qua điện thoại./.
Các cách tra cứu phạt nguội tại nhà: - Website của Cục Cảnh sát giao thông: Đầu tiên, mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ http://www.csgt.vn/, ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Nhập vào biển số xe (ví dụ 51F112345), lựa chọn loại phương tiện (ôtô, xe máy) và mã bảo mật (ghi rõ chữ hoa và chữ thường) tương ứng rồi nhấn Tra cứu. Nếu có vi phạm, màn hình sẽ ngay lập tức hiển thị thông tin chủ xe, thời gian, địa điểm, đơn vị phát hiện vi phạm, số điện thoại để bạn liên hệ giải quyết. Ngược lại, trang web sẽ xuất hiện thông báo “Không tìm thấy kết quả”. Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp chủ xe tránh bị dồn tiền phạt, nhất là ôtô đến lúc đăng kiểm. - Website Cục Đăng kiểm Việt Nam: Đầu tiên, truy cập vào địa chỉ http://app.vr.org.vn/ptpublic/, nhập biển số xe, số tem, giấy chứng nhận hiện tại vào khung trống rồi nhấn Tra cứu. Lưu ý, đối với xe biển 5 số, biển trắng thêm chữ T, biển xanh thêm chữ X và biển vàng thêm chữ V, ví dụ 51A12345T. Với số tem, giấy chứng nhận nhập dấu "-" phân cách giữa chữ cái và chữ số, ví dụ KC-2860472. Nếu xe bị phạt nguội, phần lỗi sẽ hiển thị ở ngay bên dưới thông tin xe. Ngược lại, nếu mọi thứ hoàn toàn bình thường nghĩa là xe không bị phạt nguội. |