Ngoài việc tháo gỡ triệt để khó khăn về vật liệu, Bộ Giao thông Vận tải cũng đôn đốc các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện tại, việc thi công một số dự án thành phần vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m3 đất đắp do chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.
Cụ thể, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (địa bàn tỉnh Ninh Bình) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,4 triệu m3. Đoạn Nha Trang-Cam Lâm (địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,8 triệu m3. Đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (địa bàn tỉnh Ninh Thuận) chưa cấp phép khai thác khoảng 2 triệu m3.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết) còn 1 mỏ đất với trữ lượng 0,11 triệu m3 đã được cấp phép ngày 4/4/2022 nhưng chưa được khai thác do nhà thầu đang thực hiện các thủ tục thuê đất, nộp các khoản thuế, phí và thực hiện bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất…
[Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam]
Đánh giá công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của Tư vấn, Ban quản lý dự án còn chưa sát với thực tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm. Một số mỏ vật liệu đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được do phải thực hiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục thuê đất, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí kéo dài…
“Nhà thầu thi công cũng chưa quan tâm đúng mức để chủ động nguồn vật liệu trong quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng dù Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để tháo gỡ về nguồn vật liệu,” Bộ trưởng nhìn nhận.
Xác định dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là dự án trọng điểm, yêu cầu cao về chất lượng, Bộ trưởng Thể cho biết việc quản lý chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu, không vì chạy theo tiến độ mà bỏ qua chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệm thu của dự án.
"Việc kiểm soát chất lượng được thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế đến triển khai thi công; từ kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào đến kiểm soát chặt chẽ quy trình thi công; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại bất cập (nếu có)...," Bộ trưởng Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.
Tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng. Trong số đó, bốn dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 (Mai Sơn-Quốc lộ 45; Cam Lộ-La Sơn; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây) sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng. Bốn dự án hoàn thành năm 2023 (Quốc lộ 45-Nghi Sơn; Nghi Sơn-Diễn Châu; Nha Trang-Cam Lâm; cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng. Hai dự án hoàn thành năm 2024 (Diễn Châu-Bãi Vọt; Cam Lâm-Vĩnh Hảo) sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng./.