Cao tốc Bắc-Nam: Kỳ vọng gì ở việc nhượng quyền khai thác?

Nếu nhượng quyền khai thác cao tốc Bắc-Nam, nhà đầu tư phải nhìn thấy có lợi ích thông qua phương án tài chính để sẵn sàng đầu tư nguồn vốn và đi kèm với nhiều điều kiện hấp dẫn khác.
Cao tốc Bắc-Nam: Kỳ vọng gì ở việc nhượng quyền khai thác? ảnh 1Sau khi công tác xây dựng hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nhượng quyền khai thác với 8 dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau khi công tác xây dựng hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nhượng quyền khai thác với 8 dự án cao tốc Bắc-Nam để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư sẽ phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng.

Lo tác động đến việc thu phí Quốc lộ 1

Sau khi cao tốc Bắc-Nam xây dựng xong và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện sẽ được phân lưu khiến nhà đầu tư BOT Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính đã tính toán ban đầu và sẽ phải kéo dài thời gian thu phí.

Là đơn vị đã thực hiện đầu tư và đang thu phí hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cầu Giát (Nghệ An) và dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh theo hình thức BOT, theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4, việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ phân lưu, ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn của các dự án BOT này.

“Nếu trường hợp áp dụng hình thức nhượng quyền thu phí, CIENCO4 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét đến việc ảnh hưởng đến hợp đồng BOT đối với các dự án trên Quốc lộ 1 để đảm bảo phương án hoàn vốn cho các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn CIENCO4,” ông Huỳnh đề xuất.

[Lý do ''rót'' tiền làm cao tốc Bắc-Nam mà không mở rộng Quốc lộ 1]

Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm vì dịch COVID-19, theo đại diện Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, phương án tài chính cho các dự án BOT hiện tại sẽ còn khó khăn hơn khi tới đây Nhà nước triển khai cao tốc Bắc-Nam, việc xuất hiện đường song song sẽ phân lưu lượng phương tiện.

Do đó, để ngăn ngừa hệ luỵ xấu có thể xảy ra, Nhà nước cần có ngay các giải pháp chủ động, căn cơ, kịp thời. Nếu “vỡ” phương án tài chính, không chỉ nhà đầu tư mà cả ngân hàng và xã hội cùng phải gánh chịu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây là phát sinh được dự báo trước. Trong quá trình đàm phán mở rộng BOT Quốc lộ 1 đều có các điều khoản hợp đồng, thậm chí có dự trù trong phương án tài chính phân tải lưu lượng xe, có dự trù phân tải bao nhiêu % cho cao tốc, bao nhiêu % cho Quốc lộ 1.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét trên điều kiện thực tế, cập nhật lượng xe và chốt lại phương án tài chính,” ông Đông nhấn mạnh.

Miếng bánh không "dễ nuốt"

Nhượng quyền khai thác vận hành tuyến cao tốc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Nhượng quyền khai thác là một hình thức hợp tác công-tư (PPP). Nhà đầu tư bỏ vốn và được nhận quyền khai thác tuyến đường để hoàn vốn. Thời gian thu phí kéo dài bao lâu là dựa trên cơ sở giá trị chuyển nhượng. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, thời gian nhượng quyền khai thác thường kéo dài 25-30 năm.

Trước đó, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm Nội Bài-Lào Cai; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Bến Lức-Long Thành; Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Đà Nẵng-Quảng Ngãi. 5 tuyến này dài 540 km, có tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án nào “chốt hạ” được với nhà đầu tư nước ngoài.

[Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ đấu thầu các dự án cao tốc Bắc-Nam]

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng nhượng quyền khai thác 8 dự án cao tốc Bắc-Nam để thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước từ các dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải đó là kỳ vọng của Bộ. Tuy nhiên, ông cho rằng để thu hút nhà đầu tư vào các đối tượng này cần có các điều kiện hấp dẫn.

Theo ông Chủng, nhà đầu tư phải nhìn thấy có lợi ích thông qua phương án tài chính để sẵn sàng đầu tư nguồn vốn, nhân lực, thiết bị, kỹ năng quản trị. Bởi, ngoài việc tập trung cho công tác quản lý vận hành an toàn tuyến cao tốc theo các tiêu chuẩn khắt khe, nhà đầu tư còn có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo trì để tuyến đường không bị xuống cấp trong suốt thời gian của hợp đồng.

“Vì vậy, các tiêu chí sẽ được xem xét thận trọng. Ngoài tiêu chí quan trọng là lưu lượng xe, dự báo kinh tế phát triển khả quan của vùng, khu vực... điều các nhà đầu tư quan tâm là tính đồng bộ, liên thông của toàn tuyến cao tốc và đặc biệt là chất lượng của công trình,” ông Chủng cho hay.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, một trong những lý do khiến các nhà đầu tư còn phải “xem xét” và vẫn còn lưỡng lự khi đưa ra quyết định đó là việc phần lớn các dự án đường cao tốc đưa vào khai thác thời gian vừa qua đều đội vốn rất lớn, ảnh hưởng đến phương án tài chính, thu hồi vốn. Các phương án này đều rất dễ làm nản lòng nhà đầu tư bởi “bỏ tiền chẵn, nhặt tiền lẻ” trong một thời gian dài luôn tiềm ẩn nhiều tủi ro.

Từ đó, các chuyên gia đưa ra quan điểm nếu không có những cam kết mạnh mẽ từ phía chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, việc nhượng quyền khai thác đường cao tốc cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ là viễn cảnh.

Và có chăng, đích mà các nhà đầu tư hướng tới vẫn chỉ là một số tuyến cao tốc ngắn vốn vừa phải, lưu lượng xe cao và kèm theo các cơ chế tài chính thu chi hấp dẫn từ phía Việt Nam./. 

Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 657km với tổng mức đầu tư 105.046 tỷ đồng sẽ có mức giá thu phí khởi điểm là 1.500 đồng/km (mức giá trung bình của các cao tốc đã khai thác hiện từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng).

Mức này sẽ tăng lên 2.400 đồng/km sau đó 10 năm, và lên cao nhất 3.400 đồng/km vào năm 2042.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục