Ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên sẽ thông xe toàn tuyến vào 31/12 năm nay. Riêng đoạn Thái Nguyên đến cầu Phù Lôi (Sóc Sơn) sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật vào 30/5 và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến vào cuối tháng Sáu. Thông xe được… nửa tuyến Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên dù đã được khởi công từ cuối năm 2009 và ấn định thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Dự án được chia làm 4 gói thầu chính, trong đó có qua địa bàn Hà Nội với 3 gói thầu PK1A, 1C, 1B và gói PK2 trên địa bàn Thái Nguyên. [QL 3 mới: Tiến độ “rùa” nhưng vẫn quyết thông xe?] Theo ông Long, tính đến nay, toàn dự án đã đạt được 58% khối lượng thực hiện các hạng mục gói thầu. “Gói thầu PK2 thuộc địa bàn Thái Nguyên đã thi công được móng cấp phối đá dăm và 5,2km bên tông nhựa. Nhà thầu tiến hành lu lèn, dải nhựa và hoàn thiện các hạng mục kỹ thuật trên tuyến,” ông Long khẳng định. Có mặt tại gói thầu PK2, theo quan sát của phóng viên Vietnam+, liên danh nhà thầu đều huy động máy móc, nhân lực, nguyên vật liệu thi công tuyến đường. Rất nhiều xe lu, xúc đang san ủi, lu nền đường vừa mới dải nhựa xong, cỏ ở dải phân cách giữa tuyến đường cũng được tiến hành trồng. Tại các cầu vượt, từng tốp công nhân đang tiến hành đổ bê tông dầm… Thậm chí, nhằm bù tiến độ, nhà thầu đã phải tăng ca để lấp đầy thời gian thi công. Mặt đường đang được lu lèn để hoàn thiện các hạng mục.
(Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) Lý giải cho việc tiến độ gói PK2 về đích đúng hẹn, ông Long cho biết địa phương Thái Nguyên đã vào cuộc quyết liệt, làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng nên tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thành hợp đồng đã đề ra. Cụ thể, báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 cho thấy, đến tháng 2/2013, tổng mặt bằng bàn giao và có thể thi công gói thầu PK2 đạt 99,3% và chỉ còn vướng mắc ở 2 điểm, với một số hộ dân do địa phương đang tiến hành xây dựng khu tái định cư. Do khối lượng thi công đảm bảo thông tuyến đoạn Thái Nguyên còn lại lớn trong khi thời hạn phải thông xe kỹ thuật đang đến gần (tháng 5/2013), ông Long kiến nghị lãnh đạo ban ngành tỉnh giải quyết dứt điểm các vướng mắc còn lại, tuyên truyền người dân khu vực dự án đi qua tạo điều kiện cho đơn vị thi công đảm bảo đúng dự án. “Những đoạn có mặt bằng, liên danh nhà thầu đều cam kết hoàn thành theo đúng tiến độ. Vì thế, khối lượng dự án thay đổi từng ngày. Tư vấn giám sát, liên danh nhà thầu sẽ xem xét thay thế các đơn vị thi công không đáp ứng được yêu cầu công việc. Đến ngày 20/3, các nhà thầu yếu kém không đảm bảo khối lượng công việc sẽ được báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải để có phương án thay thế,” ông Long khẳng định. Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng, những đoạn không vướng mặt bằng phải hoàn thành tiến độ dự án mà cụ thể sẽ thông xe 29,3km đường chính tuyến trên địa phận Thái Nguyên từ mố A2 cầu Phù Lôi đến cuối tuyến vào tháng 6/2013. Các đoạn vướng mắc giải phóng mặt bằng, xử lý kỹ thuật dự án và khối lượng phát sinh… hoàn thành trước tháng 12/2013 để thông xe toàn tuyến. Theo ông Hidefumi Ezawa, Giám đốc Tư vấn dự án Quốc lộ 3, đơn vị tư vấn liên tục “thúc” nhà thầu thường xuyên về tiến độ thi công dự án. “Để đảm bảo dự án về đích đúng hẹn là khá khó khăn nhưng khả năng vẫn làm được. Vì thế, các nhà thầu cần phải nỗ lực đồng thời chất lượng dự án sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thi công, trình tự dự án,” ông Ezawa bày tỏ. “Chốt” tiến độ với từng nhà thầu Đối lập với gói thầu PK2, tại Hà Nội, cả 3 gói thầu PK1 tiến độ “ì ạch” do ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng được các khu tái định cư dân. Đánh giá của đơn vị quản lý dự án và liên danh các nhà thầu cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng và xử lý nền đất yếu tại địa bàn các huyện ở Hà Nội bị chậm trễ đã khiến nhiều đoạn trên tuyến đường này không thể thi công, ảnh hưởng tiến độ toàn dự án. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2, đến cuối tháng 2 vừa qua, tổng mặt bằng đã bàn giao và có thể thi công đạt 98,6% (60,5km/61,3km), riêng Hà Nội vẫn còn 117 hộ dân chưa chịu di dời do chính quyền sở tại chưa triển khai được công tác phương án đền bù, bố trí xây nhà tái định cư. “Cụ thể, cả 3 gói thầu PK1 trên địa bàn Hà Nội đều dính nhà nằm ‘chình ình’ trên tuyến, bàn giao mặt bằng theo kiểu ‘xôi đỗ’ (vẫn còn rải rác nhà dân) nên rất khó thi công. Công tác giải phóng mặt bằng dự án rất chậm đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cũng như tổ chức thi công của các nhà thầu như không đưa được dây chuyền đồng bộ, vận chuyển thiết bị vật liệu phải đi vòng qua các vị trí vướng,” ông Long cho hay. Ngoài ra, các nhà thầu thẳng thắn thừa nhận khó khăn, các điểm chưa bàn giao mặt bằng lại nằm trong vùng đất yếu nên đòi hỏi thời gian xử lý ít nhất 6 tháng bằng búa khoan cọc cát, đóng lún, gia tải chờ lún… nên sẽ phải tìm ra phương án tối ưu nhất để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình.
Hạng mục cầu cũng đang được đổ bê tông, đúc lao dầm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) Trực tiếp kiểm tra thi công dự án Quốc lộ 3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, khối lượng công việc còn lại rất nhiều, thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa mưa nên các đơn vị nhà thầu phải tận dụng ngày nắng để đẩy thi công nhằm đảm bảo tiến độ. “Mốc thông xe kỹ thuật trước 1 tháng là rất quan trọng. Ban Quản lý cần làm tiến độ cụ thể với từng nhà thầu bằng văn bản pháp lý để tư vấn giám sát phải có chứng thực vào tiến độ đồng thời nhà thầu cũng phải cam kết bù tiến độ nếu xảy ra chậm,” Thứ trưởng Trường nói. Ngoài ra, Thứ trưởng Trường cũng chỉ đạo, 15 ngày cuối tháng này, các đơn vị phải “vạch” tiến độ từng ngày để hoàn thiện các hạng mục. Tiến độ phải khả thi đáp ứng cùng với thiết bị, nhân vật lực để làm. “Chậm nhất ngày 22/3, Ban quản lý cùng các nhà thầu phải ‘chốt’ tiến độ các gói thầu còn lại để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông nhằm đảm bảo đúng thời gian thông xe vào cuối năm 2013,” Thứ trưởng Trường khẳng định. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ chỉ đạo và giải quyết tất cả những vướng mắc còn lại của dự án về giải phóng mặt bằng sau khi có cuộc họp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; thực hiện điều chuyển khối lượng công việc nếu nhà thầu không đáp ứng yêu cầu; điều chỉnh thủ tục thiết kế, công tác thẩm định… để “thúc” tiến độ dự án./.
Dự án Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên có chiều dai 61,3km được chia thành 4 gói thầu xây lắp chính (PK1A dài 7km từ Gia Lâm – Đông Anh, PK1B dài 10,8km từ Đông Anh – Yên Phong, PK1C dài 9 km từ Yên Phong – Sóc Sơn và PK2 dài 34,4km từ Sóc Sơn – Thái Nguyên).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng trong đó chi phí xây lắp là 5.354 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư mất 2.370 tỷ đồng, chi phí dự phòng tư vấn… là 2.280 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2, đơn vị trúng thầu gồm liên danh: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VInaconex), Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1).
|