Câu chuyện rùng rợn đằng sau hạt càphê Hingakawa của phụ nữ Rwanda

Những người phụ nữ còn sót lại của Rwanda sau cuộc nội chiến đẫm máu, rùng rợn khiến 1 triệu người chết chỉ trong 100 ngày, phải gồng mình tái thiết đất nước bằng chính những hạt càphê vùng Hingakawa.
Phụ nữ Rwanda với hạt càphê "gánh" cả nền kinh tế đất nước này. (Ảnh: Melissa Lyttle)
Phụ nữ Rwanda với hạt càphê "gánh" cả nền kinh tế đất nước này. (Ảnh: Melissa Lyttle)

Một triệu người chết chỉ trong 100 ngày, trong số đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và đàn ông. Hầu hết phụ nữ đã bị hiếp dâm đến chết, đàn ông bị hành quyết vô cùng dã man bằng dao, rựa như thời trung cổ. Đó là 100 ngày đen tối nhất lịch sử đất nước Rwanda (quốc gia ở châu Phi) thời điểm ¼ thế kỷ trước – năm 1994; 100 ngày đẫm máu của cuộc nội chiến giữa hai tộc người Tutsi và Hutu…

Phải nhắc lại chuyện buồn của lịch sử như vậy vì đó là khởi nguồn và cách duy nhất mà những người phụ nữ còn sót lại của Rwanda có thể làm để gồng mình lên tái thiết đất nước, bằng chính những hạt càphê của vùng Hingakawa.

[Video] Càphê tác động đến sức khỏe con người như thế nào?]

Từ cuộc nội chiến đẫm máu…

Mỗi loại càphê ngon thường có câu chuyện của riêng nó. Câu chuyện về loại càphê Rwanda cũng vô cùng đặc biệt. Các nước châu Phi thường chỉ được biết đến là thế giới của chiến tranh, nạn dịch HIV, cái đói, thiếu nước, đời sống người dân vô cùng cực khổ và thuộc thế giới thứ 3. Đó cũng là lý do hầu hết mọi người không biết đến đất nước Rwanda.

Thực tế, Rwanda không chỉ là quốc gia nổi tiếng ở châu Phi về quặng kim loại mà còn được thế giới biết đến với nạn diệt chủng năm 1994. Vào năm này, do giá kim loại, càphê sụt giảm mạnh dẫn tới cuộc nội chiến của hai dân tộc lớn ở đất nước Rwanda – Tutsi và Hutu.

Nhân sự kiện Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana - một người dân tộc Hutu - chết khi đang ở trong một chiếc máy bay bị bắn hạ vào ngày 6/4/1994, tộc người Hutu đổ lỗi cho người Tutsi (cho đến ngày nay, nguyên nhân thực sự của vụ tai vẫn chưa được xác định rõ). Người Hutu đã thực hiện một cuộc thảm sát kéo dài trong vòng 100 ngày khiến 1 triệu người chết, trong đó có 700.000 người Tutsi, còn lại 300.000 là người Hutu đã đứng ra bảo vệ người Tutsi.

Câu chuyện rùng rợn đằng sau hạt càphê Hingakawa của phụ nữ Rwanda ảnh 1 Một cậu bé nhìn về thung lũng, nơi nhiều người đã thiệt mạng trong cuộc diệt chủng. (Ảnh: Luanne Dietz)

Trước đó, hai dân tộc này đã xung đột từ rất lâu. Tộc người Tutsi được cho rằng phát triển hơn với mũi cao hơn, hộp sọ lớn hơn nên được nắm quyền kiểm soát đất nước, còn tộc người Hutu là tộc người chính gốc của đất nước Rwanda lại bị coi như nô lệ, dẫn đến nảy sinh lòng hờn căm trong thời gian dài. Cho đến ngày 6/4/1994 đó.

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, số người chết mỗi ngày cũng chỉ ngang với số người chết của cuộc nội chiến này ở Rwanda. Tính trung bình có 10.000 người chết mỗi ngày trong cuộc nội chiến giữa người Tutsi và Hutu, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và đàn ông. Hầu hết phụ nữ sẽ bị hiếp dâm đến chết, đàn ông bị hành quyết vô cùng dã man.

Nếu chiến tranh thế giới thứ nhất dùng súng, máy bay thả bom thì trong cuộc nội chiến thảm khốc này người với người dùng dao và rựa để chém giết lẫn nhau. Rùng rợn hơn cả là họ chẳng thể ngờ chính những người hàng xóm "tối lửa tắt đèn" lại có thể bất ngờ ra tay sát hại mình một cách dã man. Sau bi kịch đó là những mồ chôn tập thể lớn xác trẻ em và đàn ông.

Đến thương hiệu càphê nổi tiếng thế giới

Nội chiến kết thúc, hầu hết đàn ông tộc người Tutsi chết, người Hutu bị bắt vì tham gia trận giết chóc kinh hoàng, gần như không còn trẻ em và phụ nữ phần lớn nhiễm HIV. Những con người còn sống sót rất khó tái hòa nhập với cuộc sống. Cuộc nội chiến đã để lại hậu quả nặng nề về kinh tế và tinh thần cho người dân Rwanda.

Thực tế, sau chiến tranh, phụ nữ chính là lực lượng tham gia trồng và thu hoạch càphê, giúp khôi phục lại nền kinh tế Rwanda. Càphê chính là mỏ “vàng nâu” đã giúp Rwanda khôi phục lại nền kinh tế rõ ràng và nhanh nhất.

Câu chuyện rùng rợn đằng sau hạt càphê Hingakawa của phụ nữ Rwanda ảnh 2Phụ nữ Rwanda đang phơi hạt càphê dưới nắng. (Ảnh: Melissa Lyttle)

Càphê của Rwanda gọi tên theo vùng sản xuất ra nó – Hingakawa (tiếng Rwanda nghĩa là cùng nhau trồng càphê xây dựng lại đất nước), đã trở thành một thương hiệu. Càphê Hingakawa không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội, về việc xây dựng một cộng đồng cho người phụ nữ có thể lấy lại những gì đã mất trong cuộc nội chiến tàn khốc.

Càphê Hingakawa sẽ được bán vào mùa Hè năm nay 2019 tại một số cửa hàng Starbucks được lựa chọn ở thị trường châu Á Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Đóng vai trò đặc biệt giúp tạo ra những hạt càphê thơm ngon, người phụ nữ Rwanda chính là biểu tượng của càphê Hingakawa và đó cũng là lý do trên gói càphê Hingakawa của Stabucks có in hình người phụ nữ bê giỏ càphê truyền thống của họ trên đầu.

Nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng càphê ở Rwanda, Quỹ Starbucks cũng đã trao khoản tài trợ 3 triệu đô la cho CARE - một tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế lớn, với các chương trình ở trên 90 quốc gia khắp thế giới - để thực hiện các chương trình giáo dục về nước và vệ sinh. Quỹ này còn làm một việc ý nghĩa là trao tặng bò cái cho người dân Tutsi. Ở đất nước Rwanda, con bò quý giá hơn tất cả, giống như một gia tài vậy.

Câu chuyện rùng rợn đằng sau hạt càphê Hingakawa của phụ nữ Rwanda ảnh 3Món quà hàn gắn "vết thương" giữa hai tộc người Tutsi-Hutu. (Ảnh: Joshua Trujillo)

Điều đặc biệt mang tính kết nối và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Quỹ Stabucks đã làm được trong hoạt động cộng đồng này là việc tạo được một cam kết cho tộc người Tutsi, sau khi bò cái đẻ sẽ phải tặng lại con bê đó cho tộc người Hutu. Đó cũng là một cách giúp hàn gắn “vết thương” giữa hai dân tộc sau cuộc nội chiến, giúp người dân có thể sớm hòa đồng với nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)