Cầu nối để hàng Việt vào sâu thị trường nước ngoài

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định các thành tích về xuất khẩu của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Cầu nối để hàng Việt vào sâu thị trường nước ngoài ảnh 1Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất.

Điều này nhằm giúp các bên cập nhật, chia sẻ chính xác nhất về thông tin thị trường, chính sách mới của các nước để điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp cũng như tận dụng tốt nhất cơ hội phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022" diễn ra ngày 29/7.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước theo định kỳ hàng tháng trong năm 2022 và 2023, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) làm đầu mối tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 7 tháng qua mặc dù cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá dầu thô và các hàng hóa, vật tư chiến lược tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đối tác kinh tế lớn… đã ảnh hưởng bất lợi đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt trên 435 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 16,8% và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

[Vì sao đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản bị kéo tụt trong tháng Bảy?]

Cụ thể, các thương vụ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Tuy nhiên, hiện nay thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian tới có thể nghiêm trọng hơn… Từ đó dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn trên 200%.

Chính vì vậy, hội nghị giao ban là để thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan trao đổi, khuyến nghị giải pháp, sáng kiến xúc tiến thương mại để hỗ trợ, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu nhằm đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của cả nước. 

Báo cáo về xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Tại hội nghị giao ban lần này, Ban tổ chức nhận được báo cáo của 67 thương vụ, chi nhánh thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài và các yêu cầu hỗ trợ của 63 Sở Công Thương/Trung tâm xúc tiến thương mại, của 20 hiệp hội ngành hàng. 

Cầu nối để hàng Việt vào sâu thị trường nước ngoài ảnh 2Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Do đó, Cục Xúc tiến thương mại đã tổng hợp được 15 trang đề xuất của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và 6 trang đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. 

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, những đề xuất, kiến nghị của thương vụ và yêu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của địa phương rất phong phú, đa dạng từ chính sách, cơ chế đến những hoạt động cụ thể.

Ban tổ chức sẽ phân loại các kiến nghị, đề xuất của thương vụ và yêu cầu trong nước thành nhóm trung và dài hạn có tính chiến lược, chuyển cho các đơn vị liên quan trong bộ để tham mưu cho lãnh đạo bộ.

Ngoài ra, nhóm đề xuất, yêu cầu có tính thời sự sẽ được Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan trong Bộ để theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các thương vụ triển khai các nhiệm vụ được giao, yêu cầu hỗ trợ của địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Đặc biệt, kết quả, kết luận giao ban sẽ được Ban tổ chức đăng trên website của Bộ và  Cục Xúc tiến thương mại nhằm phục vụ mục đích tra cứu, tham khảo cho cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội trên cả nước, phục vụ cho hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thương vụ và các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và cơ quan tham mưu trong nước, ông Vũ Bá Phú kiến nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ được tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng.

Bên cạnh đó, các địa phương thống nhất cử đầu mối là Lãnh đạo Sở Công Thương tham dự giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nêu yêu cầu, trao đổi định hướng hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Hơn nữa, để chuẩn bị tài liệu chu đáo cho hội nghị, các thương vụ, các Vụ thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu, Phòng vệ thương mại và các địa phương, hiệp hội ngành hàng gửi báo cáo tháng về kết quả phối hợp trong hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương cũng như đề xuất, kiến nghị trước ngày 25 hàng tháng. 

Tại hội nghị, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ: Trung Quốc đã có một số điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đáng lưu ý, trong chính sách nhập khẩu mới Trung Quốc mới ban hành, nước này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với những lô hàng thủy hải sản đông lạnh nếu phát hiện COVID-19.  

Cùng với đó, từ tháng 7, phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam qua 7 cửa khẩu quốc tế đường bộ khu vực tỉnh Quảng Tây; mở cửa thí điểm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn trên thế giới. 

Theo ông Nông Đức Lai, mặc dù Trung Quốc có tín hiệu nới lỏng điều kiện nhập khẩu hàng hóa nhưng thương vụ vẫn khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu cần tập trung quản lý an toàn thực phẩm từ đầu nguồn để tránh bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu. 

Ngoài ra, với nhóm hàng nông lâm thủy sản tươi sống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhằm giảm thiểu các lô hàng bị phát hiện nhiễm COVID-19.

Ông Nông Đức Lai cũng lưu ý doanh nghiệp nếu có lô hàng bị nhiễm COVID-19 cần phối hợp với các bộ, ngành điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các loại trái cây tươi vừa được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc, trong thời gian chờ đợi phê duyệt cấp mã số xuất khẩu cần thực hiện đúng yêu cầu, hướng dẫn đóng gói. Hơn nữa, để tránh rủi ro, doanh nghiệp phải xuất khẩu chanh leo tại 7 cửa khẩu được cho phép mà không thực hiện ở cửa khẩu khác.

Liên quan tới xúc tiến thương mại sang thị trường Australia, ông Nguyễn Phú Hoà, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết: Hiện tại, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị tại Australia. Mít đông lạnh đỏ và vàng xuất khẩu sang Australia có bao nhiêu bán hết đến đó. Ngoài ra, quả bơ, gừng đông lạnh cũng đang được tiêu thụ tốt tại thị trường này. Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường Australia. 

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, từ thực tế trên, thương vụ đã định hướng được thị trường, xác định được đường đi và cách tiếp cận, xây dựng thương hiệu cho nông sản đông lạnh Việt Nam. Bởi đối tác Australia đánh giá cao hàng hóa của Việt Nam cả về chất lượng và giá thành, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam. 

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn bất ổn, giá thành vận chuyển cao nên các doanh nghiệp cần chủ động trong kinh doanh, kịp thời kiểm soát chuỗi cung ứng. 

Thời gian tới, thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến theo kế hoạch hành động đề ra, liên quan tới các ngành hàng có kim ngạch lớn, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về mở rộng dư địa xuất nhập khẩu cho các ngành hàng của Việt Nam, nhất là hàng nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.