"Cây đại thụ” ngành Nhãn khoa Việt Nam Nguyễn Trọng Nhân qua đời

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, “cây đại thụ” trong ngành Nhãn khoa Việt Nam đã ra đi nhưng tên tuổi của ông sẽ mãi gắn với những cống hiến lớn lao trên nhiều lĩnh vực.
"Cây đại thụ” ngành Nhãn khoa Việt Nam Nguyễn Trọng Nhân qua đời ảnh 1Năm 2011, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân (giữa)-  nguyên Chủ tịch TW Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, “cây đại thụ” trong ngành Nhãn khoa Việt Nam đã ra đi nhưng tên tuổi của ông sẽ mãi gắn với những cống hiến lớn lao trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước…

Đặc biệt những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, cho ngành và cho đất nước đã được các thế hệ cán bộ, học trò lĩnh hội, tiếp thu, không ngừng hoàn thiện và phát triển theo đúng những tâm niệm của ông lúc sinh thời.

Trong những năm tháng cuối đời, vượt lên trên bệnh tật, ông vẫn miệt mài làm việc, trăn trở và phát triển ngành nhãn khoa, công tác phòng chống mù lòa... trên cương vị Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân sinh năm 1930, lớn lên trong một gia đình trí thức. Đầu năm 1950, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia một số chiến dịch ở Tây Bắc, Hòa Bình...

Thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân sắp đến hồi kết, ông được cử đi học Đại học Y ở Moskva (Liên Xô cũ).

Sau 7 năm miệt mài đèn sách, tốt nghiệp loại ưu, Nhà nước đề nghị ông ở lại học tiếp và ông đã chọn học ngành mắt. Đầu năm 1964, ông bảo vệ Luận án tiến sỹ xuất sắc với đề tài ghép giác mạc, sau đó ông trở về nước công tác tại Viện Mắt (nay là Bệnh viện Mắt Trung ương).

Về nước, ông đã mạnh dạn nghiên cứu sản xuất chỉ khâu mắt tự tiêu làm từ gân đuôi chuột đồng, chuột cống. Nhờ đó, nhiều khoa mắt ở các tỉnh đã tự túc được chỉ dùng trong phẫu thuật mắt.

Năm 1984, giáo sư Nhân đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Mắt. 30 năm công tác tại đây, ông đã có nhiều công trình khoa học, sáng kiến cải tiến trong lĩnh vực nhãn khoa như ghép giác mạc, phục hồi chức năng thị giác cho người mù, lắp giác mạc nhân tạo, phát hiện sớm và điều trị bệnh cao nhãn áp, phẫu thuật đục thủy tinh thể, lắp thủy tinh thể nhân tạo, bong võng mạc, ấu trùng sản nội nhãn...

Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nhãn khoa thế giới, giáo sư Nhân đã nghiên cứu một phương pháp mổ mới - phẫu thuật kẹt củng mạc được áp dụng ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Pháp...

Những ca phẫu thuật ông thực hiện thời đó gây tiếng vang đến tận bây giờ như ca mổ mang lại ánh sáng cho họa sỹ thương binh Lê Duy Ứng hay trường hợp gần như tuyệt vọng, đã từng chữa trị ở nước ngoài không khỏi của nhạc sỹ vĩ cầm Nguyễn Anh Giang.

Một ca khó nhất mà ít người biết đến đó là ông đã lắp thành công giác mạc nhân tạo trên cơ địa mắt bị luộc chín do hóa chất của một nữ công nhân gang thép Thái Nguyên khiến nhiều chuyên gia Mỹ thán phục vì ngay ở Mỹ cũng rất ít người làm được điều đó.

Với nhiều cống hiến cho ngành y tế, năm 1985, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân.

Với sự tín nhiệm của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII (1986-1996), Đại biểu Quốc hội khóa IX và X (1992-2002), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ năm 1987-2003 và Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 1992).

Thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân đã góp phần soạn thảo Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng cơ quan Bộ Y tế vào quản lý nhà nước, chuyển việc quản lý các chương trình về các viện chuyên khoa đầu ngành...

Năm 2004, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ở cương vị nào ông luôn giữ vững phẩm chất kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, của một Đảng viên chân chính, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, trong nhiều năm, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Nhân cùng các đồng nghiệp đã kiên trì đấu tranh đòi công lý và quyền lợi chính đáng cho những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ cũng như qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai quốc gia.

Ở mặt trận không tiếng súng ấy có vô vàn khó khăn nhưng ông luôn tin vào công lý cũng như tin vào con đường mình đã chọn cống hiến hết mình để phục vụ nhân dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục