Chăm lo, không kỳ thị để người cần cách ly yên tâm hợp tác chống dịch

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không được kỳ thị mà phải chia sẻ, hỗ trợ để người cách ly yên tâm, hợp tác tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Chăm lo, không kỳ thị để người cần cách ly yên tâm hợp tác chống dịch ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng một số cư dân tòa nhà 88 Láng Hạ khi về đến tòa nhà thấy cách ly đã rất lo lắng, nhất là trong dịp Tết nên không dám về nhà là tâm lý có thể hiểu được.

Do vậy, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện chiều 5/2, ông Dũng yêu cầu tuyệt đối không được kỳ thị mà phải chia sẻ, hỗ trợ để người cách ly yên tâm, hợp tác tốt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tạm yên tâm về trường hợp mới ghi nhận ở Cầu Giấy

Liên quan đến 1 trường hợp bệnh nhân COVID-19 mà Bộ Y tế chưa công bố, Sở Y tế thông tin đây là bệnh nhân N.T.K ở phố Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy.

[Chủ tịch Hà Nội: Không để dịch lây lan, đảm bảo đời sống của người dân]

Bệnh nhân là F1 (vợ) của bệnh nhân 1866, F2 của bệnh nhân 1814 (người về từ Hải Dương). Trường hợp này đã được cách ly tập trung ngay khi phát hiện bệnh nhân 1866.

Đáng chú ý, trường hợp này xét nghiệm lần 1 âm tính, nhưng đến ngày 4/2 có biểu hiện sốt, ho, xét nghiệm lần thứ 2 ngày 5/2 mới dương tính với COVID-19.

Trước thực tế này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng thời gian bệnh nhân ở ngoài thì âm tính nên tạm thời yên tâm, lúc dương tính thì đã được cách ly trước đó.

Liên quan đến 6 ca nghi mắc COVID-19 ở Điện Biên, trong đó có 2 ca liên quan đến Hà Nội, Sở Y tế đã thông báo cho quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy đề sẵn sàng truy vết ngay khi cần thiết.

Ông Hạnh cho biết đến nay, tất cả các trường hợp về từ vùng dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh là 17.909 người đều đã được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả có 4 trường hợp dương tính còn lại đều âm tính; 919 trường hợp sàng lọc trong bệnh viện đều âm tính. 

Dù khẳng định Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh, song đại diện Sở Y tế vẫn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng: “Các nhà khoa học cho biết chủng virus mới có khả năng bám dính tế bào tăng lên, khả năng lây nhiễm cao trong chu kỳ ngắn hơn từ 2-3 ngày; 80% người dương tính nhưng không có triệu chứng gây khó khăn trong quản lý lây truyền; người dân còn chủ quan, người về từ vùng dịch vẫn có trường hợp chưa khai báo…,” ông Hạnh nói.

Theo đại diện Tổ thông tin và đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, việc Hà Nội đã bắt kịp dịch là chính xác. Cụ thể, 3 ngày qua chỉ số bắt kịp dịch luôn là 100%; trong đó năng lực xét nghiệm của Hà Nội đã đảm bảo; việc truy vết được thực hiện tốt, chuyên nghiệp hàng đầu cả nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã liên tục có những chỉ đạo chính xác như nâng mức phòng dịch nhưng không làm người dân hoang mang hay việc phong tỏa theo nhóm nhỏ để đảm bảo đời sống người dân…

Không để dịch lây nhiễm trong nhà máy, khu công nghiệp

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện có phản ánh về việc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phối hợp chưa chặt chẽ, do vậy ông nhắc nhở: "Nếu các nhà máy trong khu công nghiệp để lây lan dịch bệnh giống trường hợp tại tỉnh Hải Dương thì tác hại sẽ vô cùng lớn. Đề nghị các khu công nghiệp hết sức quan tâm và chỉ đạo cụ thể."

Chăm lo, không kỳ thị để người cần cách ly yên tâm hợp tác chống dịch ảnh 2Cuộc họp của Ban Chỉ đạo COVID-19 thành phố Hà Nội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Nhấn mạnh nguy cơ của dịch bệnh, ông Dũng lưu ý các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo rất cụ thể của thành phố; cũng như phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm từng nhiệm vụ cụ thể để “ai làm thiếu trách nhiệm phải xử lý”.

Nêu rõ 5 đầu việc cần tiếp tục triển khai, Phó Chủ tịch Ủy ban thành phố nhắc lại quan điểm của thành phố và yêu cầu phải truy vết chính xác, nhanh hơn nữa. Ông Dũng yêu cầu các đơn vị phát huy hiệu quả của tổ giám sát cộng đồng cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thông tin chính xác nhất, nhanh nhất.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Nhắc đến việc cư dân ở tòa nhà 88 Láng Hạ có hơn 319 người chưa có mặt tại nhà do khi thấy thông tin phong tỏa tòa nhà nên không vào nữa gây khó khăn cho công tác xét nghiệm, khoanh vùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh vai trò tự giác của người dân rất quan trọng trong việc khoanh vùng dập dịch bởi chu kỳ lây nhiễm hiện nay rất nhanh và ngắn.

Ông Dũng yêu cầu việc phong tỏa phải đảm bảo an toàn nhưng tập trung trong diện nhỏ nhất để đảm bảo đời sống người dân; không được để bà con trong khu cách ly thiếu thốn, thiếu sự quan tâm của chính quyền đồng thời không được kỳ thị mà phải chia sẻ, hỗ trợ để người cách ly yên tâm, hợp tác tốt hơn trong công tác phòng dịch bệnh.

Phó Chủ tịch thành phố Chử Xuân Dũng cũng nhắc các địa phương tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang. Theo ông, việc xử phạt ở các huyện có nhiều khó khăn, do đó ông đề nghị công an thành phố xem xét kiểm tra chéo việc thực hiện xử phạt và phải làm nghiêm.

Ông nêu rõ các nhà hàng, siêu thị… không đảm bảo công tác phòng chống dịch thì phải xử phạt nghiêm, không cho hoạt động.

“Cần tiếp tục nâng cao công tác truyền thông; quản lý chặt chẽ cơ sở khám chữa bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin sai sự thật; nắm rõ thông tin về những người dân đi làm ở các tỉnh khác,” ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục