Chăm sóc da như thế nào để ngăn ngừa mụn trứng cá ở tuổi dậy thì?

Nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng mụn trứng cá không những không giảm mà còn xuất hiện nhiều hơn với tổn thương nặng nề gây sẹo xấu, khiến nhiều bạn trẻ thiếu tự tin khi giao tiếp.

Mụn trứng cá tuổi dậy thì. (Nguồn: Vietnam+)
Mụn trứng cá tuổi dậy thì. (Nguồn: Vietnam+)

Đến khám da liễu tại bệnh viện trong tình trạng mụn trứng cá nhiều, viêm sưng tấy đỏ khoảng 3 năm, T.M.T (16 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội) được chẩn đoán bị viêm mụn trứng cá dạng mụn bọc, mủ.

Trước đó, T đã tự mua thuốc điều trị mụn tại nhà nhưng tình trạng mụn không thuyên giảm.

Cũng bị tình trạng mặt nổi đầy các mảng trứng cá và nhiều sẹo rỗ, N.V.B (15 tuổi) ở Thái Bình luôn cảm thấy tự ti. B kể bắt đầu có mụn trứng cá từ khi dậy thì lúc 13 tuổi, em cũng đi chữa ở một số nơi nhưng chỉ giảm được mụn trong một thời gian, sau đó mụn xuất hiện trở lại. Do có nhiều mụn mủ to nên người nhà thường xuyên nặn mụn cho B, hậu quả là để lại những sẹo rỗ trên mặt.

Theo các bác sỹ, trong khi mụn trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thì ở tuổi dậy thì, mụn trứng cá sẽ xuất hiện nhiều hơn, 80% người trẻ tuổi bị mụn trứng cá trước 30 tuổi.

Khi đến tuổi dậy thì, tuyến hormone hoạt động mạnh làm tăng tiết bã nhờn gây bít tắc lỗ chân lông khiến mụn trứng cá mọc nhiều. Thông thường, tình trạng này sẽ hết sau một vài năm khi trẻ đến tuổi trưởng thành. Nhưng ở một số người, mụn tiếp tục phát triển và có thể kéo dài.

Có nhiều loại trứng cá khác nhau như mụn trứng cá đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đỏ, mụn dạng nang… Khi các nốt mụn trong lỗ chân lông tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và nhân mụn chuyển sang màu đen sậm. Còn những mụn viêm, mụn bọc, mụn mủ là do nhiễm khuẩn, vi khuẩn xâm nhập sâu vào bên trong gây nhiễm khuẩn.

Dù ít hay nhiều, mụn cũng làm cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp. Vì vậy, nhiều người đã làm mọi cách để điều trị mụn, nhưng đáng tiếc tình trạng mụn không những không giảm mà còn xuất hiện nhiều hơn với tổn thương nặng nề gây viêm nặng, sẹo xấu.

Mụn trứng cá là gì?

Trứng cá tuổi dậy thì là chỉ những tổn thương nang lông xuất hiện ở tuổi thiếu niên, liên quan tới sự tăng tiết bã nhờn và sự hình thành nhân trứng cá. Bệnh rất phổ biến, thường gặp ở thiếu niên và người lớn trẻ với những mức độ nặng nhẹ thay đổi theo từng người.

Vì sao bị mụn trứng cá?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó do tác động của một chất nội tiết sinh dục, vì thế mụn trứng cá là bệnh rất phổ biến ở tuổi dậy thì. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển các tổn thương trứng cá. Da nhờn, bóng như có dầu, chủ yếu ở hai mũi, hai má và phần trên ngực. Sừng hóa phễu làm tắc nghẽn đường ra, gây ứ đọng chất bã nhờn. Viêm nang lông do vi trùng Propionibacterium acnes.

0612muntrungca1-5485.jpg
Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai

Mụn trứng cá có thể xuất hiện do trầy xước, đây là dạng trứng cá thường gặp ở những cô gái trẻ, có thói quen hay tự nặn trứng cá, biến dạng thành trầy xước, đóng mày, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

Ngoài ra, mụn trứng cá còn có thể xuất hiện sau khi sử dụng một số loại thuốc: thuốc ngừa thai, corticoides, thuốc kháng lao, vitamin B12, thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, các thuốc ức chế miễn dịch.

Một số loại mụn trứng cá ở tuổi dậy thì thường gặp

Mụn không do viêm

Đây là loại mụn được xem là khá “dễ chịu”, ít gây tổn thương và dễ điều trị. Đặc trưng của loại mụn không viêm chính là có nhân mụn cứng; bao gồm 2 “gương mặt” quen thuộc là:

Mụn đầu đen: Vi khuẩn, tế bào chết hoặc các chất bã nhờn bị oxy hóa trên bề mặt da ở vị trí nang lông mở tạo thành các đốm mụn màu đen.

Mụn đầu trắng: Lỗ chân lông cũng bị bít tắc bởi tế bào chết, dầu thừa hay vi khuẩn nhưng khác với mụn đầu đen; ở đây nang lông sẽ đóng lại tạo nên đầu mụn màu trắng.

Mụn do viêm

Mụn viêm gây nhiều tổn thương nghiêm trọng hơn như kích thước mụn to, mụn dễ gây sưng nhức/ tấy đỏ/ nhiễm trùng mô, nguy cơ để lại sẹo mụn cao. 4 dạng trứng cá tuổi dậy thì loại viêm phổ biến có thể kể đến là:

Mụn sần: Là những nốt mụn sưng nhỏ, có màu đỏ hoặc hồng, hay nhạy cảm với tác động bên ngoài như nặn mụn. Nếu mụn sần xuất hiện nhiều ở tuổi dậy thì thì đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mụn trứng cá không còn ở mức nhẹ mà đang ở mức trung bình đến nặng.

Mụn mủ: Mụn mủ có hình dạng bên ngoài khá giống với mụn đầu trắng, điểm khác biệt là mụn mủ có vòng tròn nhỏ màu đỏ quanh chân mụn – dấu hiệu của việc da bị viêm. Loại mụn trứng cá ở tuổi dậy thì này cũng không có nhân mụn cứng, thay vào đó là dịch mủ có màu vàng hoặc trắng. Không nên tự ý nặn mụn mủ để tránh làm mụn viêm nặng hơn hoặc để lại sẹo sâu.

Mụn bọc: Thường xuất hiện nhiều ở nam giới hơn nữ giới; là tình trạng vi khuẩn viêm tấn công sâu vào cấu trúc da. Ngoài mặt thì mụn bọc cũng có thể xuất hiện nhiều ở vùng ngực và lưng. Mụn bọc nếu không xử lý đúng cách có thể gây đau nhức, sưng tấy đỏ nặng, dễ tái phát.

Mụn dạng nang: Hay còn gọi là u nang là loại mụn dưới da có kích thước lớn (có khi bằng hạt đậu) chứa đầy mủ hoặc dịch và gây đau nhiều. Mụn bọc xuất hiện khi tình trạng viêm đã ở mức nặng. Do là dạng mụn “ăn sâu” vào da nên khi lấy nhân mụn sẽ có nguy cơ cao để lại sẹo.

Cần kiên trì khi chữa bệnh

Khi bị mụn nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, người bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sỹ. Tùy từng trường hợp mà các bác sỹ có thể chỉ định phù hợp. Về điều trị tại chỗ, các bác sỹ sẽ chỉ định thuốc bôi, có nhiều lọai thuốc bôi, tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sỹ có thể kê những loại thuốc bôi hoặc thuốc uống thích hợp.

0612trungca2-3385.jpg
Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai

Ngoài ra, các bác sỹ sẽ chỉ định những phương pháp trị liệu khác: có thể sử dụng các liệu pháp như ánh sáng xanh, laser, để hỗ trợ việc điều trị mụn trứng cá.

Chăm sóc da đúng cách là một trong những bước hết sức quan trọng trong quá trình điều trị mụn trứng cá: Khi bị mụn, cần bỏ thói quen sờ tay lên mặt, nặn, hút, hoặc nhể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo trên da.

Cần tránh sử dụng các sản phẩm gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt trong thời gian dài, đổ mồ hôi nhiều.

Chọn lựa các sản phẩm làm sạch, dưỡng da phù hợp: các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng không gây kích ứng cho da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng da có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-comedogenic” (không tạo cồi). Nên rửa mặt bằng nước sạch 2-3 lần mỗi ngày. Khi làm sạch da không nên dùng khăn chà xát vì như thế sẽ làm trầy xước da mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng khăn sạch.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, hợp lý bằng cách có chế độ ăn giảm ngọt và béo, ăn nhiều trái cây tươi, nhất là những loại quả có màu đỏ như dâu tây, dưa hấu. Hạn chế các sản phẩm sữa có nguồn gốc động vật. Ngủ đúng giờ, tránh thức khuya. Tạo một đời sống tinh thần lành mạnh, hạn chế stress và mất ngủ.

Làm gì để ngăn ngừa trứng cá của tuổi dậy thì?

- Uống đủ nước giúp hạn chế mụn trứng cá

- Bảo vệ da khỏi ánh nắng: hạn chế đi nắng; đeo khẩu trang; đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng. Nên kiên trì đi tái khám đúng theo lời dặn của bác sỹ da liễu.

- Không nên tự ý sử dụng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen, bởi vì việc điều trị rất khác nhau giữa bệnh nhân này và bệnh nhân khác, nó phụ thuộc vào tuổi và giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm da, loại mụn...

Để mụn trứng cá không còn là nỗi ám ảnh của tuổi dậy thì, ngoài việc tuân thủ theo một chế độ điều trị thích hợp, chính bản thân mỗi người bệnh còn phải có một chế độ sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi thật hợp lý, lành mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục