Tháng Năm, tiết trời Bắc Giang ngột ngạt, oi nồng trong cái nắng hầm hập. Cùng với đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ khiến vùng đất này càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thông tin ca mắc mới COVID-19 gia tăng chóng mặt, từ hàng chục cho tới hàng trăm ca bệnh mỗi ngày. Bắc Giang được coi như một “chảo lửa” COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4.
Thế nhưng, chính trong những ngày "sinh tử" này, hàng loạt câu chuyện về những y bác sỹ trong cả nước, với từng đoàn xuất quân hướng về Bắc Giang để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân trên cả nước.
Đó là một chàng bác sỹ vùng núi cao phía Bắc với tờ đơn không ngày về được đưa ra khi được lãnh đạo hỏi về Bắc Giang chống dịch; là đoàn xe chở 200 cán bộ y bác sỹ của tỉnh Quảng Ninh khi vào địa phận tỉnh Bắc Giang được người dân vẫy chào hồ hởi... suốt dọc nhiều tuyến đường.
Một người mẹ đơn thân ở Đà Nẵng, theo tiếng gọi hỗ trợ của ngành y, lần thứ 2 xung phong đi “tiếp viện” để chống dịch COVID-19...; là hàng chục nghìn sinh viên ngành y đã viết đơn và ký vào sẵn sàng chờ ngày được gọi lên “chiến tuyến”.
Đó là những hình ảnh, những câu chuyện cảm động về tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết của người dân Việt Nam đã được phát huy từ ngàn đời nay, dù trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn được khơi dậy.
Họ chính là những chiến binh luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn nơi tiền tuyến, với niềm khát khao cháy bỏng: Đại dịch COVID-19 sớm được kiểmn soát và đẩy lùi trên mảnh đất hình chữ S.
Những “đội đặc nhiệm” từ khắp mọi miền
Trong lúc khó khăn bủa vây, tỉnh Bắc Giang đã nhận được rất nhiều tình cảm đặc biệt của ngành y tế các địa phương trong cả nước.
Giữa cái nắng nóng oi bức của mùa Hè, hình ảnh trích xuất từ camera giao thông ghi lại hình ảnh đoàn xe chở các y bác sỹ của tỉnh thầy thuốc Quảng Ninh lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch trong ngày 15/5, với những tấm vải được gắn bên sườn các xe hướng với các thông điệp tiếp sức cho Bắc Giang chiến thắng đại dịch COVID-19 khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt.
[Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ 54 tử vong liên quan COVID-19]
Trước tấm lòng sẻ chia của đoàn bác sỹ Quảng Ninh, một cảnh sát giao thông Bắc Giang làm nhiệm vụ trên đường khi thấy đoàn tiến vào đã đứng nghiêm trang chào như một lời tri ân, một lời cảm ơn gửi đến những nghĩa cử cao đẹp của tỉnh bạn dành cho địa phương mình.
Hai bên đường, những cánh tay người dân Bắc Giang đứng vẫy chào đón đoàn xe đi qua như lời cảm ơn, cảm tạ chân thành. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên cử đoàn hỗ trợ lực lượng y tế đến Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch.
Ở một trường hợp khác, 8h sáng 25/5, sau khi nhận điện thoại từ Sở Y tế Yên Bái, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã gọi bác sỹ Hoàng Việt Tiệp (26 tuổi) lên hỏi ý kiến về việc cử y bác sỹ đi Bắc Giang chi viện. Không chút đắn đo, Tiệp đồng ý tham gia và có 1 tiếng để chuẩn bị hành trang trước khi lên đường.
Chàng thanh niên trẻ ấy, cầm trên tay tờ quyết định bỏ trống ngày về, rảo bước về phòng trọ sửa soạn, chuẩn bị tư trang đồ đạc cho chuyến đi dài ngày.
Nhà bác sỹ Tiệp ở huyện Lục Yên, cách nơi làm việc đến 200km nên anh không kịp về thăm nhà, chào bố mẹ và em gái. Bác sỹ Tiệp là thành viên trẻ nhất trong đoàn chi viện lần hai của ngành y tế Yên Bái.
Là một trong 6 điều dưỡng nữ của Bệnh viện Đà Nẵng đến chi viện “điểm nóng” Bắc Giang lần này, chị Võ Thị Hoài Thương (37 tuổi - Khoa Gây mê hồi sức) khiến nhiều người cảm phục khi tâm sự chị nhất quyết xung phong đi chống dịch dù nhà chỉ có 2 mẹ con.
Vào năm 2020, thời điểm dịch bùng phát ở Đà Nẵng, chị cũng tham gia hỗ trợ trong 1 tháng tại Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang.
Điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ nhiều người có tâm lý lo ngại khi vào tâm dịch, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị cho rằng khi đã đứng trong hàng ngũ y bác sỹ, luôn phải xác định tâm lý phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm.
“Khi Đà Nẵng có dịch, tôi đã có kinh nghiệm chăm sóc các bệnh nhân nặng, được trang bị về kiến thức thực tế, có phương tiện bảo hộ, nên tôi đã hành trang lên đường, đem tất cả những gì mình có đến Bắc Giang, mong góp công sức diệt COVID-19 nhanh chóng để mọi người có thể trở lại cuộc sống an yên,” chị Thương cho hay.
Con gái điều dưỡng Hoài Thương năm nay đã chuẩn bị lên lớp 10, chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm do bệnh hiểm nghèo. Chị kể, vì hoàn cảnh 1 mẹ 1 con nên con gái cũng có tính tự lập từ nhỏ. Tất nhiên, với hoàn cảnh gia đình nếu chị không nhất quyết đăng ký thì cũng không nằm trong danh sách chi viện.
Cuộc chiến không hề đơn độc
Dịch COVID-19 bùng phát tại Bắc Giang trong các khu công nghiệp với mật độ rất lớn, nguy cơ cao khi có tới hàng ngàn ca bệnh được ghi nhận. Do vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng cả về kinh nghiệm, nhân lực và vật tư y tế.
Trong những ngày đầu tháng 5, tại tỉnh Bắc Giang xuất hiện cùng lúc 3 ổ dịch COVID-19, trong đó 2 ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu - nơi có hơn một trăm nghìn công nhân đang làm việc. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chưa từng có khiến lực lượng tuyến đầu nhiều đêm thức trắng để nỗ lực khoanh vùng dập dịch.
Bắc Giang cảm nhận được mình không hề đơn độc trong cuộc chiến căng thẳng chống lại dịch bệnh này. Đáp ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế ngành y cả nước cùng “chung tay” với Bắc Giang chiến thắng dịch COVID-19.
Tiếp sau Quảng Ninh, trong ngày 16/5, tỉnh Bắc Giang đón nhận thêm nhiều ân tình nữa từ phía các đơn vị, địa phương. Đó là Đoàn 215 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã có mặt để hỗ trợ dập dịch. Cũng ngay trong chiều 16/5, một đoàn gồm 20 chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ Thủ đô Hà Nội đã đến Khu công nghiệp Vân Trung tiếp sức cho Bắc Giang.
Ngoài ra, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 đã trực tiếp về Bắc Giang cắm chốt, tham gia cùng chính quyền, nhân dân địa phương chống dịch.
Những ngày sau đó, đã có nhiều đoàn hỗ trợ từ Bộ Y tế, Học viện Quân y, Quân khu 1, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), Yên Bái, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ... hỗ trợ cả nhân lực và vật tư y tế. Đây là những “đội đặc nhiệm” quan trọng chia sẻ, hỗ trợ hiệu quả cho tỉnh Bắc Giang sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quan điểm hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang. Ngành y tế từng hỗ trợ rất lớn để dập dịch tại Đà Nẵng năm 2020 nhưng lần này phải hỗ trợ ở mức cao hơn. Bộ Y tế đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt toàn quyền "điều quân" từ mọi nơi tới Bắc Giang. Bên cạnh đó cũng cần "đảo quân," bố trí để các cán bộ, nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Về điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - những nơi có các đơn vị hồi sức tích cực mạnh hỗ trợ cho Bắc Giang điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt các bệnh nhân nặng.
Tất cả những người tham gia tình nguyện đều trên tinh thần xung kích và chỉ rút quân khi tỉnh bạn chủ động kiểm soát được tình hình. Các nhân viên y tế, chuyên gia đã đồng hành với địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết các “nút thắt” để cùng tỉnh Bắc Giang chống dịch.
Đủ lực lượng duy trì "chiến đấu"
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có hơn 26.000 cán bộ y tế, sinh viên các trường y, dược đăng ký sẵn sàng đến 2 “điểm nóng” dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Bác sỹ Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết anh và 12 thành viên khác của ê-kíp Đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ về mặt hồi sức, điều trị, các công tác chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân COVID-19.
“Mọi người dân trên cả nước nói chung, người dân tại Bắc Giang nói riêng nên yên tâm. Dù trong hoàn cảnh, môi trường nào cũng sẽ có Đảng, Chính phủ, Nhà nước, lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là nhân viên y tế luôn trong tâm thế chủ động vào cuộc. Các bác sỹ cùng chung bàn tay, khối óc và lòng nhiệt thành cao độ, giúp bệnh nhân được chăm sóc, điều trị, sớm hồi phục, tuyệt đối không để lại ai ở phía sau…,” bác sỹ Trần Thanh Linh chia sẻ.
Đợt dịch lần này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan lẫn mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí Thư, của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã huy động hơn 3.000 nhân lực y tế hỗ trợ toàn diện công tác chống dịch tại Bắc Giang, triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn tiến của dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và ghi nhận xu hướng ca mắc mới giảm.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang cơ bản được khống chế, khoanh vùng, thu hẹp được các nguồn lây, tập trung phòng, chống dịch cơ bản ở các khu cách ly tập trung. Hiện Bắc Giang đang có 14 trung tâm thu nhận, theo dõi, điều trị bệnh nhân COVID- 19. Bên cạnh các bệnh viện thì đã trưng dụng một số ký túc xá, trường học để thu dung điều trị bệnh nhân.
“Trận chiến” này có thể còn dài và còn nhiều thử thách, với nhiều y bác sỹ, khi “ra trận” họ luôn vững tin bởi đã được trang bị kiến thức chống nhiễm khuẩn, các phương tiện bảo hộ và đã làm đến thành thạo.
Hơn một năm qua trôi qua, đại dịch COVID-19 đã hoành hành trên thế giới, gây ra những tổn thất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và đảo lộn đời sống, kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Những ngày qua, Bắc Giang thực sự bước vào một cuộc chiến đúng nghĩa với sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát dịch lần này xảy ra trong các khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn công nhân liên quan khiến cho công tác dập dịch cam go hơn bao giờ hết. Dù thế, với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” và có sự “chia lửa” hỗ trợ đắc lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tiếp thêm sức mạnh cho Bắc Giang trong công tác phòng chống dịch.
Hoạt động chi viện của các thầy thuốc trên mọi miền của Tổ quốc đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của họ với công cuộc giữ gìn sức khỏe của người dân. Đó là sự quả cảm, đồng lòng chung tay phòng, chống lại đại dịch thế kỷ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu./.