Là một nhà nghiên cứu trẻ, yêu mến và trân trọng lịch sử đất nước, Trần Đăng Khoa (Hà Nội) nằm lòng gần như mọi kiến thức về Hoàng Thành Thăng Long.
Trong số những bảo vật quốc gia phát lộ và được lưu giữ tại đây như hiện vật Lá đề chim phượng thời Lý, Bát thấu quang ngự dụng thời Lê Sơ hay ấn sắc mệnh chi bảo thời Trần, Đăng Khoa ấn tượng nhất với bộ thành bậc rồng Điện Kính Thiên.
Nằm ở trung tâm Hoàng Thành từ thời Lê Sơ, Điện Kính Thiên là chính điện quan trọng nhất ở Cấm thành xưa, ngự ở Long Đỗ - nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của trời đất.
Sau nhiều biến động lịch sử, Điện Kính Thiên đã không còn. Ngày nay, bộ thành bậc rồng bằng đá trở thành dấu vết tiểu biểu và quan trọng nhất của cung điện này.
Thành bậc rồng Điện Kính Thiên giống như một “nhân chứng” lịch sử. Suốt hơn 500 năm, hiện vật đã chứng kiến những sự kiện quan trọng của đất nước, nay tiếp tục dõi theo những sự kiện tái hiện lịch sử cung đình xưa hay những đoàn khách nườm nượp tới thăm di sản Hoàng Thành Thăng Long.
[Bảo vật quốc gia Lá đề chim phượng và những ý nghĩa đặc sắc]
Theo hồ sơ Bảo vật Quốc gia, bộ thành bậc rồng Điện Kính Thiên có kích thước, cấu trúc và hoa văn không bắt gặp, không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác.
Về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, bộ thành bậc rồng là minh chứng cho thấy dưới thời Lê Sơ, rồng năm móng là biểu tượng của nhà vua và quyền lực của vua. Cấu trúc phần đầu với u nổi cao chính là tượng trưng cho năng lực tự sinh của rồng, tính chuẩn mực nghiêm cẩn của Nho giáo trong khoảng giữa thế kỷ XV. Đây cũng được ghi nhận là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Nho giáo tại Việt Nam.
Ngoài gây ấn tượng về mặt thị giác, đồ án sen dây trên mặt ngoài của thành bậc còn phản ánh ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo đồng thời thể hiện sự biến chuyển từ hình tượng tả thực hoa sen thời Lý - Trần sang mô típ pha trộn các loại hoa sen-hoa cúc-hoa mẫu đơn.
Đây được đánh giá là sự chuyển biến mới trong bối cảnh kinh tế, xã hội và tư tưởng thời Lê Sơ. Mảng chạm khắc sen dây này cũng được xác định là có quy mô lớn nhất hiện nay.
Với những giá trị ấy, hồ sơ bảo vật cũng kết luận, những dư ảnh mỹ thuật thời Lý Trần trên hiện vật cho thấy đây là mạch nguồn đã nuôi dưỡng sức mạnh và tinh thần kháng cự của Đại Việt trước sức ép đồng hóa văn hóa của nhà Minh trong suốt 20 năm đô hộ./.