Lái xe Nguyễn Văn S. (sinh năm 1985, trú tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), điều khiển xe tải mang biển số 37H- 005.XX, chở hàng quá tải 39,1% trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình đã phải ký vào biên bản phạt chỉ vì chở thêm hàng để bù vào chi phí xăng, dầu.
Chiều 15/3, Tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3), Phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra tải trọng tại Km188+300 trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào lúc 14h45, tổ công tác Đội 3 đã dừng xe tải mang biển kiểm soát 37H- 005.XX, chở hoa quả từ Bình Thuận đi Hà Nội do lái xe Nguyễn Văn S, sinh năm 1985, trú tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An điều khiển vì có dấu hiệu chở quá tải trọng.
Qua cân tải trọng bằng cân lưu động, xe tải mang biển số Nghệ An đã chở quá tải trọng cho phép 39,1%.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Đội 3, đã lập biên bản xử phạt lỗi chở hàng vượt trọng tải cho phép với lái xe số tiền phạt 4 triệu đồng. Mức phạt đối với chủ phương tiện là 7 triệu đồng. Tổng mức xử phạt là 11 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe và phù hiệu vận tải của xe 2 tháng.
Lái xe Nguyễn Văn S. cho biết, toàn bộ số tiền phạt nói trên sẽ do lái xe phải đóng.
“Khi xe xuất phát lấy thanh long và xoài đi từ tỉnh Bình Thuận là xe chở đúng tải, tuy nhiên, trong quá trình đi, tôi đã tự ý nhận thêm hàng để bù vào chi phí xăng, dầu,” lái xe Nguyễn Văn S. cho biết.
Đại úy Đinh Vạn Sơn, Phó Đội trưởng Đội 3 thông tin, từ ngày 9/3- 15/3, đã có 120 trường hợp xe chở quá tải trọng bị phát hiện trên tuyến. Đội cũng đã tước giấy phép lái xe 38 trường hợp, tước 50 phù hiệu vận tải của các xe vi phạm.
“Để xử lý hiệu quả chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, Đội 3 đã chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản đối với các đơn vị vận tải, các phương tiện thường xuyên lưu thông trên tuyến. Đội tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị, địa phương trên tuyến để xử lý hiệu quả vi phạm này khi phương tiện bắt đầu lưu thông lên cao tốc và khi một số lái xe phát hiện phía trước có lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý, đã ra khỏi đường cao tốc đi vào các tuyến đường khác. Kết quả, sau 1 tuần ra quân thực hiện, tình trạng xe quá tải đi lên tuyến đường này đã giảm rõ rệt,” Đại úy Đinh Vạn Sơn thông tin.
[Kiểm soát chặt, không để tái diễn tình trạng xe quá tải]
Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ. Cảnh sát giao thông toàn quốc thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện, thay đổi kích thước thùng xe. Khi kiểm soát, thông qua vận đơn, chứng từ vận chuyển hàng hóa, có thể thực hiện việc đo, đếm số lượng hàng hóa đã được đóng thành kiện, bao, gói theo quy cách để xác định trọng lượng hàng hóa và tiến hành cân tải trọng theo quy định.
Đối với các phương tiện vi phạm kích thước thùng xe, tự ý cải tạo phương tiện, khi xử lý phải sử dụng camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm; đồng thời, lập danh sách gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo, yêu cầu khôi phục như trước khi kiểm định.
Theo quy định mới tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, có hiệu lực từ đầu năm 2022, cơ quan chức năng quy định chỉ còn 3 mức xử lý xe quá tải gồm quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50%.
Trước đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) quy định tới 5 mức quá tải lần lượt là: 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150%./.