Trong tuần từ 23-29/4, cả nước ghi nhận 16.359 ca mắc mới COVID-19.
Đây là tuần có số ca mắc cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi hiện là 10.621.473 trường hợp. Hiện có 122 bệnh nhân đang thở oxy; trong đó, 90 ca thở oxy qua mặt nạ, 8 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 24 ca thở máy xâm lấn.
Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 43.188 ca; đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine COVID-19 được tiêm trong thời gian gần đây liên tục tăng, có những ngày lên đến hơn 20.000 liều.
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/4 cho thấy từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thu thập, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm các biến thể phụ mới của Omicron trên địa bàn, bao gồm XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Cụ thể, từ ngày 8-14/4 vừa qua, 11/13 mẫu giám sát dịch tễ do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới. Ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây là XBB.1.5, còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1. Đây là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.
Tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Thông tin tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 vừa qua về công tác phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương cho thấy những tuần gần đây, số ca mắc mới COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đều là những biến thể phụ đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm cần được theo dõi. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khuyến cáo trước diễn biến gia tăng ca mắc mới COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ hơn; các trường học cũng bước vào kỳ thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường.
Các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng; từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch, tiêm vaccine. Các đơn vị tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gene các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.
[Ngày 29/4 ghi nhận 1.892 ca mắc mới COVID-19, có 122 ca phải thở ôxy]
Các địa phương cần công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận; quản lý tốt bệnh, không để lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh, giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao - người có bệnh nền khi mắc COVID-19. Các tỉnh/thành phố cập nhật, đánh giá cấp độ dịch kịp thời để có những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện, xử lý kịp thời bệnh xâm nhập; đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ nhóm nguy cơ cao, công khai các điểm tiêm để người dân tiếp cận.
Tuyệt đối không để thiếu thuốc phòng, chống COVID-19 và các dịch bệnh khác
Để chủ động đảm bảo nhu cầu thuốc phòng, chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phù hợp với thực tế, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vaccine cho phòng, chống dịch COVID-19 và thuốc điều trị các bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả..., các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các thuốc điều trị COVID-19, các thuốc có nguồn cung hạn chế.
Các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế rà soát, khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; trong đó chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ, kịp thời các thuốc, vaccine cho phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh khác có thể gia tăng trong thời gian tới, các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tăng cường nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc điều trị COVID-19 và các bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, tả..., các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có; xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để tăng giá thuốc.
Hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt. Trong tuần qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, có 579/579 xã, phường, thị trấn đều ở cấp độ 1. Ở tất cả các xã, phường, tỷ lệ ca mắc mới đều ở cấp độ 1; tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine và tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở nhóm nguy cơ cao đều đạt. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đông đảo người dân chủ động phòng, chống dịch COVID-19, tránh để tình trạng lây nhiễm diện rộng trong cộng đồng; phối hợp với các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở; tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống, tránh tâm lý chủ quan của người dân trong việc thực hiện “2K” và tiêm phòng, nhất là các trường học.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện chủ động rà soát nguồn lực, khôi phục hoạt động của khoa/đơn vị COVID-19 trên nguyên tắc 4 tại chỗ; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế, sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Sở Y tế cung cấp danh sách 10 chuyên gia COVID-19 để các bệnh viện liên hệ trong tình huống cần hỗ trợ chuyên môn. Các bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ bệnh. Song song đó, Sở triển khai 59 điểm tiêm vaccine xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Sở Y tế đã đề xuất hai phương án ứng phó dịch trong tình hình mới để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Với tình huống xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng, thành phố sẽ kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B; tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt. Bên cạnh đó, với tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số lượng mắc bệnh và tử vong.
Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhấn mạnh Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố, trung tâm y tế các huyện, thị, các bệnh viện ngoài công lập, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh lên phương án thu dung, điều trị bệnh nhân.
Các đơn vị sẵn sàng phương án tổ chức tốt việc cấp cứu, chăm sóc, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; tiếp tục đảm bảo khâu hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch..../.