Chủ tịch Hà Nội: Chưa có tín hiệu dịch kết thúc trong thời gian ngắn

Dự báo về tình hình dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng chưa có tín hiệu dịch kết thúc trong thời gian ngắn.
Chủ tịch Hà Nội: Chưa có tín hiệu dịch kết thúc trong thời gian ngắn ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 6/5, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 4/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội 4 tháng đầu năm 2020 và đề ra phương hướng trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép," vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 4 tháng đầu năm 2020 đạt 88.275 tỷ đồng, đạt 31,7% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 32% dự toán). Chi ngân sách địa phương thực hiện 19.033 tỷ đồng, đạt 18,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 17%).

Thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm của thành phố đạt 981,5 triệu USD trong đó cấp mới 235 dự án với vốn đầu tư đăng ký 324 triệu USD; 53 lượt dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký bổ sung 365 triệu USD và 292,5 triệu USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam.

Về thu hút đầu tư trong nước, trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã xem xét quyết định chủ trương đầu tư 4 dự án vốn ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư 5.130 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 15 dự án với số vốn tăng 3.320 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 7.165 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 110.197 tỷ đồng, thực hiện thủ tục giải thể cho 725 doanh nghiệp, 4.877 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay đạt 286.096 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 2.251 doanh nghiệp (giảm 5% so với cùng kỳ). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng, giải quyết đúng thời hạn.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4 tháng năm 2020 tăng 4,57% (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,06%).

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao là thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng 10,98%; một số nhóm giảm như: giao thông giảm 3%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,27%.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,89 triệu lượt khách, giảm 59,2% cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 15.830 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết tính đến cuối tháng 4 có 1.200 cơ sở lưu trú đã thông báo tạm ngừng hoạt động, gần 1.364 cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành ngừng hoạt động với 35.000 lao động trong lĩnh vực này tạm thời không có việc làm.

Từ nay đến cuối năm 2020, ngành du lịch đặt trọng tâm tăng cường kích cầu, tuyên truyền quảng bá du lịch nội địa; số hóa các sản phẩm du lịch; gắn chặt sản phẩm thế mạnh là du lịch văn hóa với bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; triển khai mạnh các hoạt động du lịch nông nghiệp.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến ngày 6/5, Hà Nội có tổng số 112 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 92 trường hợp được công bố khỏi bệnh.

Hiện thành phố chỉ còn ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đã qua 20 ngày cách ly y tế. Cách ly tại khu tập trung hiện còn 5 người; cách ly, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng 86 người.

Thành phố cũng tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chi trả trên 500 tỷ đồng cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo và người được bảo trợ xã hội.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng Tư, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 43.000 lao động; tính từ đầu năm 2020 đã giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động.

Cùng với sở, ngành và chính quyền địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch chi trả đợt 2 cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch trong thời gian sớm nhất.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng đầu năm 2020 đã được thành phố, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội của thành phố không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động, có sự đảo lộn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường khâu đôn đốc, thực hiện chỉ đạo các nội dung về các nhiệm vụ được giao.

[Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội]

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và cho rằng đây là giải pháp "xương sống" để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã phải đẩy mạnh phải tháo gỡ mọi khó khăn trong thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cán bộ phải thực sự nỗ lực, công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các đơn vị liên quan phải tạo mọi điều kiện để tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp kết nối vận chuyển hàng hóa, bán hàng dưới nhiều hình thức khác nhau để kích cầu tiêu dùng. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên mà trong thời gian qua không thực hiện như đoàn đi công tác nước ngoài, các hoạt động lễ hội, văn hóa, xúc tiến đầu tư, cắt giảm khoảng 15%.

Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước phải yêu cầu các đơn vị thống kê, có con số sơ bộ báo cáo thường trực Thành ủy Hà Nội trước ngày 15/5.

Đặc biệt, về công tác an sinh xã hội, thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dânthành phố Hà Nội yêu cầu cần có sự rà soát kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ phường xã đến tổ dân phố, không được xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai sót để dẫn đến khiếu kiện.

Dự báo về tình hình dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng chưa có tín hiệu dịch kết thúc trong thời gian ngắn. Vì vậy, thành phố xác định công tác chống dịch phải thực hiện trong thời gian dài, đến khi thế giới có vắcxin phòng chống được bệnh; tiếp tục thực hiện chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố, không để dịch bệnh quay trở lại, để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục