“Giai đoạn 2018- 2020, thị trường bất động sản tiếp tục có sự điều chỉnh lớn do phải giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp thị trường quay trở về phát triển lành mạnh và bền vững hơn.”
Nhận định trên được đưa ra bởi ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Bất động sản 2018 với chủ đề: "Thị trường bất động sản 2018: Tác động từ chính sách" diễn ra ngày 17/5, tại Hà Nội.
[Quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh: Các thương vụ tai tiếng]
Theo ông Lộc, sau thời gian trầm lắng (bắt đầu từ cuối năm 2013), thị trường bất động sản đang từng bước được phục hồi tích cực và tới năm 2018, thị trường đã đi được một chặng với sự chuyển biến mạnh mẽ nhờ lợi thế từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nhiều tuyến đường được kết nối thuận tiện.
Song để tránh phát triển “bong bóng” và giúp thị trường đi vào tăng trưởng lành mạnh và ổn định, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khuyến nghị cần phải có hệ thống thông tin minh bạch, cụ thể là các thông tin về quy hoạch, bởi nó liên quan đến việc tiếp cận vị trí đầu tư có gặp phải quy hoạch hay không.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có sự tăng trưởng ấn tượng, thị trường bất động sản cũng ấm lên đồng thời thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư tiếp tục phàn nàn về tính minh bạch và khả tiếp cận quỹ đất một cách minh bạch. Thêm vào đó, họ cho rằng các quy trình đấu giá bất động sản cũng như quy trình chính sách vẫn còn rườm rà, khiến họ bị lỡ những cơ hội kinh doanh cũng như các quá trình khởi công thương bị cản trở.
Nhằm cải thiện vấn đề này, ông Chiến đề xuất, “định kỳ theo tháng và quý, các cấp quản lý cần có một kênh thông tin duy nhất, thống nhất, chính thống về thị trường bất động sản để nhà đầu tư có thể tham khảo. Mà cụ thể, Nghị định 117, Chính phủ đã giao nhiệm vụ này cho Bộ Xây dựng."
Ngoài ra, ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn phàn nàn về sự phối hợp chồng chéo giữa các bộ, ngành trong quản lý bất động sản. Ông này liệt kê các cơ quan “quyền lực”, bao gồm cơ quan quản lý về đất đai, cơ quan quản lý xây dựng nhà ở và bất động sản, ngân hàng Nhà nước (quyết định chính sách tiếp cận vốn, lãi suất, trích lập dự phòng...), cơ quan thực thi chính sách về tài chính, cơ quan lập kế hoạch và đầu tư, cơ quan tư pháp.
“Các cơ quan này phối hợp với nhau tạo thành hệ thống luật liên quan đến bất động sản, nhưng không có một đơn vị nào đứng ra quản lý một cách đầy đủ về thị trường,” ông Chung nhấn mạnh.
Tiếp thu các ý kiến đống góp từ các diễn giả, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ thông tin, tại Kỳ họp tới ( từ ngày 21/5), Quốc hội sẽ xem xét ban hành nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, xây dựng như Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Đơn vị hành chính đặc biệt...
“Hy vọng, những khung khổ pháp luật và chính sách mới sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn,” ông Lộc nói./.