Chuẩn bị chu đáo việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở các địa phương được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn.
Chuẩn bị chu đáo việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Các địa phương đã và đang tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, việc triển khai tiêm chủng được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn.

Sơn La

Trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉnh Sơn La được phân bổ 14.300 liều vaccine.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tại một số điểm tiêm chủng và tiếp tục triển khai tiêm đại trà trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại thành phố Sơn La, từ tháng 3/2021 kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đã được xây dựng.

[Các địa phương triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi]

Các cán bộ y tế tham gia trực tiếp vào công tác tiêm vaccine cũng đã được tập huấn về công tác tiêm chủng cho trẻ em, đây là khâu rất quan trọng để các cán bộ y tế nắm rõ hơn về quy trình cũng như xử lý các tình huống sau tiêm cho trẻ.

Từ ngày 22/4, trẻ bắt đầu được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng.

Bà Lù Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố Sơn La, cho biết công tác điều tra, rà soát danh sách cơ bản đã hoàn thành với số lượng trẻ tiêm đủ điều kiện tiêm vaccine là hơn 16.000 em. Nhằm đảm bảo an toàn và xử lý các phản ứng cấp cứu sau tiêm, việc tiêm chủng trong đợt đầu tiên được tổ chức tại 2 bệnh viện. Trong đợt 1, sẽ tiêm cho khoảng 1.000 em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La là một trong những điểm triển khai tiêm vaccine cho trẻ trên địa bàn thành phố.

Chuẩn bị cho việc theo dõi, xử trí sau tiêm, bệnh viện đã sẵn sàng các điều kiện từ nhân lực cán bộ, y bác sỹ cho tới giường bệnh, các máy móc y tế, thuốc điều trị.

Theo Bác sỹ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, trong đợt tiêm vaccine cho trẻ lần này, đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi, xử trí các vấn đề phát sinh sau tiêm. Khoa đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế để theo dõi và xử trí các trường hợp phản vệ xảy ra sau khi tiêm.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 186.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đợt 1, các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai tiêm vaccine theo thứ tự lứa tuổi giảm dần; ưu tiên tiêm trước cho trẻ dưới 12 tuổi, 11 tuổi, 10 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Hùng thông tin, đến nay tất cả các huyện, thành phố đã triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ. Ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị thực hiện việc rà soát đối tượng, đặc biệt là đối tượng trẻ mắc COVID-19 dưới 3 tháng chưa thể tiêm. Đồng thời, chú trọng việc triển khai khám, sàng lọc kỹ trước khi tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng đối với trẻ.

Đà Nẵng

Sáng 22/4, Đà Nẵng triển khai tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi.

Dự kiến, thành phố tổ chức tiêm từ ngày 22-27/4, số liều vaccine sử dụng cho đợt này là 10.300 liều.

Thành phố sẽ ưu tiên tiêm trước cho nhóm trẻ 11 tuổi đang học lớp 6 tại các trường trên địa bàn.

Tại điểm tiêm Cung Thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu), công tác tổ chức tiêm vaccine diễn ra đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho trẻ đến tiêm. Sở Y tế thành phố đã cử cán bộ hỗ trợ tại điểm tiêm chủng; bố trí xe cấp cứu, bác sỹ trực sẵn sàng xử trí nếu có trường hợp biến chứng sau tiêm xảy ra.

Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong Đặng Ngọc Lam cho hay, Nhà trường đã xây dựng các kế hoạch chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các em học sinh lớp 6 chi tiết, đảm bảo an toàn. Đa số, các phụ huynh đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cho trẻ và có đến 90% phụ huynh đồng ý cho con mình tiêm chủng.

Em Nguyễn Thị Tường Như, học sinh lớp 6/1, Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong chia sẻ, trước khi tiêm em có chút lo lắng, nhưng tiêm xong em thấy khá bình thường, chưa có phản ứng nặng. Việc tiêm vaccine sớm giúp em bảo vệ sức khỏe trước COVID-19.

Đưa con đi tiêm tại điểm tiêm chủng Cung Thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu), chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho hay: “Được Nhà trường tư vấn và thông tin đầy đủ đến loại vaccine cũng như phổ biến một số kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho con thật tốt sau khi tiêm, tôi đã an tâm hơn rất nhiều.”

Ngành Y  tế đã bố trí 45 điểm tiêm tại 8 địa điểm trên địa bàn thành phố, dưới sự phụ trách của 7 Trung tâm Y tế quận/huyện và Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ngày đầu tiên (22/4), triển khai 10 điểm tiêm tại hai địa điểm là Bệnh viện Ung bướu và Cung Thể thao Tuyên Sơn.

Chuẩn bị chu đáo việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ảnh 2Các học sinh sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả và theo dõi sát các phản ứng sau tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sau tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm; hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, phụ huynh, người giám hộ theo dõi trẻ chặt chẽ tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên sau tiêm chủng về các dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Nếu sau tiêm chủng có biểu hiện sức khỏe bất thường, gia đình cần liên hệ các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế; đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: sốt cao (≥39 độ C), tím tái, khó thở…hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.

Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận hơn 13.000 liều vaccine phòng COVID-19 từ Bộ Y tế và cấp về các địa phương tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tính đến hết ngày 21/4/2022, tỉnh đã tiêm được 258 liều mũi 1, đạt 0,15% tổng số trẻ em trong độ tuổi.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, nhờ công tác chuẩn bị chu đáo nên việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em diễn ra an toàn và thuận lợi.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho (địa phương đầu tiên của Tiền Giang tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em), cho biết với số lượng vaccine được phân bổ, trong đợt đầu tiên này, thành phố tiêm cho học sinh khối lớp 6 tại các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn, với trên 1.600 em đăng ký.

Trung tâm Y tế thành phố tiêm cho trên 880 em, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang hỗ trợ tiêm cho khoảng 800 em tại Trường Trung học Cơ sở Lê Ngọc Hân và Trung học Cơ sở Xuân Diệu.

Dự kiến, việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng này sẽ hoàn thành trong ngày 22/4.

Sau thành phố Mỹ Tho, các địa phương của tỉnh tiếp tục triển khai tiêm chủng đồng loạt.

Toàn tỉnh sẽ tổ chức 175 điểm tiêm, được bố trí ở trường học và các cơ sở y tế, quy trình tiêm được phối hợp thực hiện chặt chẽ, theo thứ tự tiêm vaccine cho học sinh khối lớp 6, sau đó đến nhóm tuổi giảm dần và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.

Bác sỹ Lê Đăng Ngạn khuyến cáo bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tiêm vaccine phòng COVID-19, bà mẹ, người chăm sóc cần cung cấp đầy đủ thông tin của trẻ, bệnh lý trước đó, hiên tại, vaccine đã tiêm, tiền sử dị chứng…để kết hợp khám sàng lọc và bác sỹ chỉ định tiêm hoặc trì hoãn.

Nhân viên y tế tư vấn đầy đủ các phản ứng thông thường, phản ứng nặng nếu có, cách theo dõi, xử trí và số điện thoại cho người nhà liên hệ để được hỗ trợ.

Trẻ em cần phải được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Người nhà trẻ em cần điện thoại ngay cho bác sỹ khi có các triệu chứng bất thường ở trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục