Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với thiết kế hiện đại nhất Việt Nam hiện nay sẽ đưa vào khai thác 22km đầu tiên vào ngày 19/5 tới đây.
Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là tạo ra động lực mới thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực này.
Khó khăn khi lập dự án
Dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được Ban Quản lý dự án Biển Đông (Bộ Giao thông Vận tải) trước đây làm chủ đầu tư lập từ năm 2003 nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên chưa được triển khai.
Năm 2007, do sự cần thiết phải đầu tư dự án, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động vốn đầu tư dự án theo hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao).
Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), sau gần 7 năm triển khai, dự án đã vượt qua nhiều thách thức như giải phóng mặt bằng chậm khoảng 3 năm, khó khăn trong việc huy động tài chính, giá cả biến động...
Bên cạnh đó, toàn tuyến có tới gần 80% nền mặt đường phải xử lý nền đất yếu trước khi thi công. Để đảm bảo chất lượng, đơn vị thi công phải đắp gia tải nền đường và chờ cố kết từ 6-18 tháng. Dự án đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp, cắt qua nhiều đường địa phương, đường dân sinh nên có nhiều nút giao và đắp cao bình quân 4,5m; khối lượng cầu nhiều (khoảng 12km cầu).
Theo tính toán, tổng khối lượng vật liệu chủ yếu là (đất, cát, đá) dùng cho dự án khoảng 30 triệu m3 khối, được vận chuyển từ các mỏ cách xa từ 20-100km trên hệ thống đường địa phương không đồng bộ, trong bối cảnh các nhà thầu của dự án phải tuân thủ triệt để về tải trọng xe là hết sức khó khăn.
Trong quá trình lập thiết kế kỹ thuật, do quy hoạch đô thị, dân cư, giao thông, thuỷ lợi của các địa phương có nhiều thay đổi so với thời điểm lập báo cáo đầu tư nên dự án phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả chung như hạ thấp trắc dọc đường cao tốc nhằm đảm bảo tính bền vững, an toàn cho công trình.
Trong thời gian triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải và VIDIFI đã làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cho lùi tiến độ một số gói thầu để xử lý nền đất yếu và thanh toán kịp thời cho nhà thầu. Bộ đã yêu cầu các nhà thầu cung cấp tài chính, thiết bị cũng như lực lượng lao động đủ để đáp ứng tiến độ.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng-được xác định là công việc vô cùng khó khăn của các dự án giao thông, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cũng không phải là ngoại lệ. Là đường cao tốc được thiết kế hiện đại nhất Việt Nam, dự án đi qua vùng đồng bằng với mật độ dân số cao, hệ thống đường giao thông thủy lợi dày đặc, diện tích giải phóng mặt bằng lớn.
Tính đến thời điểm này, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi qua địa phận của 3 địa phương với diện tích cần giải phóng mặt bằng hơn 1.430ha gồm 115ha đất thổ cư, còn lại chủ yếu là đất nông nghiệp và đất khác; khoảng 2.600 hộ có đất thổ cư và khoảng 35.000 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi một phần.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các địa phương có dự án đi qua đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư làm đúng chủ trương chính sách giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư theo quy định của Chính phủ nên không có sự khiếu kiện tập thể nào. Chính vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng không còn tồn tại vướng mắc.
Ông Đào Văn Chiến chia sẻ, để tạo điều kiện cho các gia đình bị thu hồi đất ổn định chỗ ở, có điều kiện tiếp tục phát triển sản xuất, các ngành chức năng và các địa phương có dự án đi qua đã triển khai xây dựng 39 khu tái định cư tại những vị trí thuận lợi, gần đường giao thông để người dân thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất.
Động lực mới cho các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ
Theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng không chỉ đáp ứng sự mong đợi của nhân dân các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ nói riêng mà còn cả vùng kinh tế phía Bắc.
Ông Đào Văn Chiến cho biết, Quốc lộ 5 được nâng cấp mở rộng từ năm 1998 nhưng sau hơn 15 năm sử dụng với sự phát triển bùng nổ về kinh tế trong khu vực, yêu cầu về vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Cùng với đó sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và các cụm dân cư hai bên đường, mật độ, lưu lượng giao thông tăng nhanh.
Đến năm 2007, Quốc lộ 5 đã mãn tải, tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến giao thông trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đến môi trường đầu tư.
“Vì vậy, việc xây dựng một tuyến đường cao tốc theo đúng quy hoạch và chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ để giải toả ách tắc cho Quốc lộ 5 là rất cấp bách, thoả mãn nhu cầu vận tải tăng nhanh và rút ngắn thời gian đi lại giữa thành phố Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác. Nếu chậm đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư từ các Nhà đầu tư nước ngoài,” ông Đào Văn Chiến bày tỏ.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội quan trọng cho vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đây là trục giao thông quan trọng kết nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc, Cảng Quốc tế Lạch Huyện, cảng Hàng không Quốc tế Cái Bi, thành phố Hạ Long, tạo môi trường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngoài ra, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cùng với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lạng Sơn, Hải Phòng-Hạ Long tạo thành mạng lưới đường cao tốc của Bắc Bộ; rút ngắn rất nhiều thời gian lưu thông (tính cho xe con) giữa các tỉnh phía Bắc (Hà Nội đi Hải Phòng-Cảng Đình Vũ từ 2 giờ xuống 53 phút; Hà Nội đi Hạ Long từ 3,5 giờ xuống 1 giờ 10 phút), góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Mặt khác, tuyến đường nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, ASEAN sẽ góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và thỏa thuận hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” Việt-Trung, kết nối cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Với tầm quan trọng của dự án, trong một cuộc kiểm tra dự án gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Ban quản lý dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chỉ đạo các nhà thầu phải tích cực thi công hoàn thành toàn tuyến theo đúng kế hoạch vào cuối năm 2015.
Tuân thủ yêu cầu chất lượng
Xác định đây là tuyến cao tốc có lưu lượng lớn nhất của Việt Nam và tải trọng trục của các xe chạy trên tuyến đường này cũng là cao nhất, vì vậy ngay từ khi thiết kế dự án, VIDIFI đã thuê một liên danh thiết kế gồm các đơn vị hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam.
Mặt khác, tại dự án này, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, các công nghệ kỹ thuật cao từ việc xử lý nền đất yếu cho đến kết cấu nền đường đều rất hiện đại và bền vững.
Về giám sát thi công, Liên danh tư vấn Meinhardt international PTE và Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn xây dựng Nhật Việt đã huy động khoảng trên 200 kỹ sư, giám sát viên; trong đó, nhân sự chủ chốt là các chuyên gia nước ngoài (15 kỹ sư nước ngoài). Việc giám sát chất lượng đã được tư vấn giám sát thực hiện nghiêm theo quy định kỹ thuật nghiêm ngặt.
Ông Tô Đức Quân, Phó Giám đốc kỹ thuật của VIDIFI cho biết, hệ thống quản lý chất lượng của dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được tổ chức chặt chẽ từ chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát đến các nhà thầu thi công. Các bước nghiệm thu chuyển giai đoạn thi công có sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra công trường và có nhiều ý kiến chỉ đạo giúp cho chủ đầu tư trong việc nâng cao năng lực quản lý dự án.
Đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đánh giá: “Chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng công trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu của dự án và phù hợp quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Các vật liệu đầu vào được kiểm tra, thí nghiệm theo quy định, kết quả đạt yêu cầu. Cho đến nay, chưa phát hiện sự việc nào nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình.”
Là tuyến cao tốc sẽ có lưu lượng lớn xe tải trọng nặng lưu thông nên vấn đề chống hằn lún vệt bánh xe được chủ đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt quan tâm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Ban điều hành gói thấu EX 19 C (đơn vị thi công lớp bêtông nhựa polime) của dự án chia sẻ, để hạn chế hằn lún vệt bánh xe, chủ đầu tư đã chọn một trong những sản phẩm nhựa đường cải tiến tốt nhất (loại 3) với nhiệt độ hóa mềm lên tới 80 độ C. Trong khi đó, theo khảo sát với nhiệt độ bên ngoài đo cao nhất tại dự án chỉ vào khoảng trên 60-70 độ C…
Bên cạnh đó, các thí nghiệm cho đến nay đều cho thấy kết quả tốt trong chống hằn lún vệt bánh xe.
Về việc thu phí của dự án, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc VIDIFI cho biết, hiện tiến độ thực hiện lũy kế 11 gói thầu xây lắp chính của dự án đạt khoảng 90% khối lượng hợp đồng. Riêng đoạn tuyến Km74+000 đến Km96+000 qua thành phố Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành.
Dự kiến, đoạn tuyến được đưa khai thác từ ngày 19/5 tới đây sẽ thu phí theo lượt, tính theo số kilomet thực tế mà xe lưu thông.
Trong giai đoạn khai thác tạm các đoạn tuyến của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (năm 2015), để khuyến khích phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến này, VIDIFI đề xuất áp dụng mức thu phí là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương tự với mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Bến Lức-Long Thành và Cầu Giẽ-Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Cụ thể, phía VIDIFI đưa ra biểu giá mức thu phí để lưu thông 22,7km cao tốc này thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container bằng 40 fit là 180.000 đồng/xe./.