Nhiều chuyên gia hàng không trên thế giới và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng hàng không trong nước sẽ cùng bàn các giải pháp để phát triển bền vững thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi Toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 11/12 tới đây, ngoài việc mang đến diễn đàn phản ánh những vướng mắc, rào cản thực tế, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy sự phát triển và tìm lời giải cho câu hỏi làm gì để thị trường hàng không Việt Nam phát triển bền vững, Tọa đàm còn có một chủ đề rất thời sự, được nhiều người quan tâm là cơ hội bay thẳng tới Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, sự kiện có sự tham dự của giáo sư Nawal Taneja - “cha đẻ” của 11 cuốn sách được mệnh danh là cẩm nang sách “gối đầu giường” về hàng không sẽ có mặt tại Việt Nam tham dự với tư cách là diễn giả chính tại tọa đàm.
Theo Giáo sư Nawal Taneja, đây là sự kiện hàng không rất đang chú ý sau khi Việt Nam đã được Cục Hàng không Liên bang của Hoa Kỳ cấp chứng chỉ đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) theo chương trình đánh giá An toàn Quốc tế của cơ quan này để khai thác các chuyến bay đến Mỹ.
[Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Liệu có ‘khó thở’ hay yên tâm không lỗ?]
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ cũng đã đồng ý cho các hãng hàng không từ Việt Nam mở chuyến bay đến 5 thành phố tại nước này, bao gồm Dallas, Los Angeles, New York, San Francisco và Seattle, từ Hà Nội và Hồ Chí Minh. Bên cạnh Vietnam Airlines, Bamboo Airways và hãng hàng không giá rẻ như Vietjet cũng quan tâm tới đường bay này.
“Tiềm năng giao thông là rất lớn, không chỉ đến từ nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đến và đi từ Hoa Kỳ nơi có hơn một triệu người Việt Nam sinh sống, mà còn đến từ nhu cầu du lịch từ các quốc gia trên toàn thế giới. Bằng chứng rõ ràng là hai sự kiện lớn gần đây Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ và quyết định xây dựng trường đua Công thức 1 (F1) tại Hà Nội,” giáo sư Nawal Taneja đánh giá.
Nhà tư vấn hàng không hàng đầu thế giới cũng khẳng định cơ hội cho các hãng hàng không, cụ thể là Vietnam Airlines mở đường bay tới Mỹ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bay thẳng hay bay một điểm dừng; thỏa thuận liên danh (codeshare) với một hãng hàng không Mỹ; tốc độ mở rộng năng lực phục vụ hành khách tại các sân bay Việt Nam.
Những yếu tố khác được chiến lược gia hàng không này nhắc tới là việc Vietnam Airlines có thể phát triển thương hiệu hiệu quả như thế nào tại thị trường Mỹ cũng như hãng này sẽ thực hiện những chiến lược gì để có thể hòa vốn với tốc độ nhanh chóng.
Khác với nhiều chuyên gia hàng không vốn chỉ thạo về lý thuyết, Nawal Teneja có nhiều thực tế quản lý phong phú nhờ việc từng đảm nhiệm vai trò chủ tịch một hãng hàng không cung cấp dịch vụ máy bay phản lực theo lịch và bay thuê chuyến. Ông cũng đã giữ vị trí chủ tịch một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn về lĩnh vực vận tải hàng không với phạm vi hoạt động toàn cầu.
Giáo sư Nawal Taneja thường được các hãng hàng không lớn trên thế giới và các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành hàng không tham vấn về xu hướng thay đổi trong phân khúc khách hàng, kỳ vọng của khách hàng, các công nghệ và công cụ phân tích mới xuất hiện, các hình thái vận chuyển mới, mạng xã hội, các kênh phân phối…
Đối với các chính phủ, ông được xem là một chuyên gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nawal Taneja đã từng tham gia cố vấn cho các Cơ quan Hàng không dân dụng, Tài chính, Kinh tế và Du lịch ở nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về các vấn đề liên quan đến vai trò của chính phủ trong việc tạo điều kiện phát triển ngành hàng không để thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế.
Vào tháng 12/2010, tạp chí hàng không Airlines Business đã ghi nhận ông là một trong 26 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất về lĩnh vực hàng không trong suốt 25 năm qua./.