Chuyên gia Indonesia nêu chiến lược chống dịch 12 điểm của Việt Nam

Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Indonesia Agus Marwan cho rằng quốc gia đáng quan tâm nhất trong đại dịch COVID-19 là Việt Nam và ca ngợi Việt Nam có chiến lược và kế hoạch tốt.
Chuyên gia Indonesia nêu chiến lược chống dịch 12 điểm của Việt Nam ảnh 1Tiến hành xét nghiệm xác định virus SARS-CoV-2 bằng máy sinh học phân tử Realtime PCR tự động tại thành phố Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Indonesia Agus Marwan, Tổng Thư ký Diễn đàn Văn chương Indonesia, vừa có bài phân tích chiến lược 12 điểm thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong bài viết đăng trên tờ Suara Mahardika, ông Agus Marwan cho rằng quốc gia đáng quan tâm nhất trong đại dịch COVID-19 là Việt Nam vì Việt Nam giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, trong khi không ít người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch.

Ông đánh giá Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, đã chống dịch COVID-19 thành công và được cộng đồng quốc tế ca ngợi chính nhờ có một chiến lược và kế hoạch tốt.

Cụ thể, từ rất sớm trước khi dịch bệnh xâm nhập, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã nhất trí về các biện pháp ứng phó bằng cách huy động các điều kiện và nguồn lực hiện có.

[Không có ca mắc COVID-19 mới, VN ghi nhận 3 ca dương tính trở lại]

Theo chuyên gia Agus Marwan, chiến lược 12 điểm của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 bao gồm:

Một là, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một chiến lược tuyên truyền rằng COVID-19 là kẻ thù chung cần tiêu diệt, với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "chống dịch như chống giặc."

Hai là, Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách phong tỏa hạn chế. Tại Việt Nam, khu vực có COVID-19 ngay lập tức được phong tỏa. Tất cả người dân, không có trường hợp ngoại lệ nào, bị cấm rời khỏi khu vực này.

Trong suốt thời gian phong tỏa, chính phủ cung ứng các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và thuốc men, với các tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt.

Ba là, Chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát chặt chẽ và bảo vệ an ninh tại khu vực biên giới.

Kể từ khi ca lây nhiễm đầu tiên xuất hiện, Việt Nam đã tiến hành giám sát biên giới, chủ yếu ở khu vực giáp với Trung Quốc. Tất cả những người nhập cảnh từ Trung Quốc đều được kiểm tra chặt chẽ và ngay lập tức được cách ly. Chính phủ Việt Nam đã huy động 950 cơ sở quân sự và các cơ sở khác làm địa điểm cách ly.

Bốn là, Chính phủ Việt Nam đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước khi ngừng tất cả các chuyến bay đến các quốc gia vùng dịch, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy và một số quốc gia khác.

Bên cạnh đó là hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, ngoại trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao. Bất cứ ai nhập cảnh vào Việt Nam ngay lập tức bị cách ly trong 14 ngày.

Năm là, Chính phủ Việt Nam đã huy động lực lượng an ninh để xác minh, theo dõi và giám sát những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh.

Cộng đồng cũng tham gia cung cấp thông tin liên quan đến các ca mắc COVID-19 và thông báo về các đối tượng từng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh.

Sáu là, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu mọi công dân phải đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng, cả ở vùng nông thôn và trong các thành phố, tại nhà ga và trên các phương tiện giao thông công cộng. Những người vi phạm bị phạt tiền và xử lý nghiêm khắc. Chính phủ đảm bảo cung ứng đủ khẩu trang.

Bảy là, Chính phủ Việt Nam đã đóng cửa các địa điểm dịch vụ công cộng, chẳng hạn như văn phòng và trung tâm kinh doanh không quan trọng.

Trường học được đóng cửa trong khi nhân viên các công ty và cơ quan được yêu cầu làm việc tại nhà.

Tám là, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách giãn cách xã hội và cộng đồng vẫn có thể làm việc. Tuy nhiên, người dân được yêu cầu tiết giảm các hoạt động ngoài trời nếu không có lý do chính đáng.

Chín là, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng cách: các bác sỹ được yêu cầu điều trị các triệu chứng như sốt; bệnh nhân phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng; theo dõi mức độ bão hòa ôxy trong máu của các bệnh nhân.

Mười là, Chính phủ Việt Nam đã lập các cơ sở phát hiện bệnh nhân COVID-19 khẩn cấp tại các khu dân cư nhằm nỗ lực phát hiện sớm các ca lây nhiễm. Vì vậy, mọi người có thể lấy thông tin và cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm nếu có triệu chứng.

Ngoài ra, chính phủ cũng tăng cường xét nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo sớm công bố kết quả xét nghiệm.

Mười một là, Chính phủ Việt Nam đã lan tỏa các thông điệp truyền thông rõ ràng về COVID-19 cho người dân và kiểm soát tin giả trong không gian mạng.

Chuyên gia Indonesia nêu chiến lược chống dịch 12 điểm của Việt Nam ảnh 2Máy tự động nhắc phòng dịch COVID-19 - mô hình tuyên truyền sáng tạo ở một huyện Đăk Hà (Kon Tum). (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Lực lượng an ninh Việt Nam đã xử lý mạnh tay đối với các đối tượng tung tin giả. Người vi phạm bị lực lượng an ninh bắt giữ ngay lập tức.

Mười hai là, Chính phủ Việt Nam đã huy động các sinh viên trường y, bác sỹ và y tá đã nghỉ hưu tham gia cuộc chiến chống COVID-19. Điều này nhằm tăng “quân số” cho tuyến đầu chống dịch.

Nhà báo Agus Marwan cho biết các chiến lược và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng đang diễn ra tốt đẹp. Người dân rất kỷ luật và tuân thủ các chính sách do chính phủ đặt ra.

Ông Agus Marwan cũng nêu bật ngoài việc được cộng đồng quốc tế ca ngợi và ghi nhận thành công, Việt Nam còn giúp đỡ các quốc gia khác hiện đang vất vả ứng phó với COVID-19.

Việt Nam đã trao tặng 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh; hỗ trợ 390.000 khẩu trang cho Campuchia và 340.000 khẩu trang cho Lào; đồng thời gửi 450.000 bộ bảo hộ cá nhân cho Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục