Chuyên gia lo doanh nghiệp chuyển giá vì phải gánh chi phí phiền hà

Ngoài nguyên nhân muốn tối đa hóa lợi nhuận, việc chuyển giá từ các doanh nghiệp theo các chuyên gia có thể do chính hệ thống thuế của Việt Nam thiếu ổn định.
Chuyên gia lo doanh nghiệp chuyển giá vì phải gánh chi phí phiền hà ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài nguyên nhân muốn tối đa hóa lợi nhuận, việc chuyển giá từ các doanh nghiệp theo các chuyên gia có thể do chính hệ thống thuế của Việt Nam thiếu ổn định và doanh nghiệp phải gánh nhiều khoản chi phí phiền hà.

Nói điều này trong hội thảo chia sẻ báo cáo Công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia do liên minh quốc tế Oxfam tổ chức ngày 18/5, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) diễn giải việc chuyển giá “nôm na là giảm lợi nhuận để tránh thuế.”

Thực tế này theo ông Thành làm cho các nước có hệ thống thuế kém phát triển, có cán bộ thuế… kém phải tự nhìn lại chính mình.

“Mức thuế có thể giảm nhưng còn chi phí không chính thức gây phiền hà cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp cố né tránh,” ông Thành lên tiếng.

[Doanh nghiệp ngày càng lo việc phải trả “chi phí không chính thức”]

Tán thành quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp muốn tối đa lợi nhuận, chính hệ thống pháp luật các nước có tính rủi ro cao khiến nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển giá.

Soi chiếu với Việt Nam, ông Tuấn đánh giá, sự ổn định về chính sách thuế với Việt Nam luôn là vấn đề lớn và đây chính là điều mà các nhà đầu tư lo ngại.

“Việt Nam liệu có là môi trường bắt buộc người ta phải tính tới chuyển giá như là một cách đầu tư hiệu quả và để tồn tại không,” ông Tuấn nêu câu hỏi.

Nhắc tới câu chuyện lỗ nhiều năm liên tục của CocaCola, ông Tuấn cho rằng, không chỉ riêng doanh nghiệp này, nhiều tập đoàn tại liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh một cách bài bản.

Từ đó, ông nêu thêm thắc mắc, liệu có vẽ được bản đồ để so sánh mức đóng thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này tại Việt Nam không.

Tuy nhiên, với tư cách là một chuyên gia, ông thừa nhận, bản thân ông chưa thấy có phân tích sâu nào về vấn đề này.

Từ đó, vị dại diện VCCI cảnh báo tâm lý “sùng bái” các dự án FDI và coi các nhà đầu tư nước ngoài như một tín hiệu tốt của môi trường đầu tư. Không phủ nhận việc những thương hiệu lớn vào Việt Nam có thể giúp thay đổi hình ảnh địa phương nhưng chính ông cũng lưu ý đôi khi tâm lý này là thái quá.

“Nhiều tỉnh tổ chức riêng đoàn phản ứng nhanh cho dự án FDI. Cái này tốt nhưng các doanh nghiệp khác có được quyền như vậy không. Hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân trong nước thì vật vã nhưng không được hỗ trợ như thế,” ông Đậu Anh Tuấn nói.

Về phía mình, ông Nguyễn Đức Thành bổ sung việc “Việt Nam có khuynh hướng thích doanh nghiệp lớn, ra tấm ra món, hy vọng tạo sự lan tỏa.” Mặt tích cực theo ông là có nhưng trái lại chính những “ông lớn” lại có khả năng chuyển giá cao.

“Các công ty lớn, có mạng lưới toàn cầu thì mới có cơ sở. Doanh nghiệp nhỏ thân cô thế cô có thể chuyển giá nhưng khó, không làm được quy mô,” ông Thành đánh giá.

Nói về những giải pháp Việt Nam đã làm để hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam thẳng thắn, những quy định về vấn đề này đã có từ năm 2010 nhưng không hiệu quả.

Theo ông, mới đây, Việt Nam đã có nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (hiệu lực từ 1/5) trong đó có điểm đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp công khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Điều này được ông Francis Weygiz, Cố vấn cao cấp về thuế Oxfam giải thích kỹ hơn khi cho rằng, báo cáo trên sẽ cho phép đánh giá lợi nhuận của các doanh nghiệp tại các thị trường có tương ứng với doanh thu và số lượng nhân viên ở đó không. Những biểu hiện đáng ngờ của chuyển giá là tại những nơi được coi là thiên đường thuế như Luxembourg hay Ireland, tỷ suất lợi nhuận các doanh nghiệp có xu hướng cao hơn hẳn.

Với quy định mới này, đại diện Oxfam cho biết, nghị định 20/2017/NĐ-CP đã cho thấy bước tiến rõ rệt của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng theo ông, nghị định mới dừng lại ở việc yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo cho cơ quan thuế mà chưa bắt buộc các doanh nghiệp phải công khai các báo cáo trên./.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) nói về động cơ chuyển giá của doanh nghiệp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.