Chiều 16/11, trong khuôn khổ Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chuỗi hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững; phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị.
Chưa bền vững
Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết tính đến tháng 9/2022, cả nước đã có 888 đô thị, nơi cư trú của khoảng 41,5% dân số cả nước. Các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền trên cả nước.
Tuy vậy, hiện nay, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững.
Trong đó, đáng chú ý là hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hoá; công tác cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện; nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hoá. Nguồn lực tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp. Phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều.
Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn.
[Siết chặt quản lý quy hoạch đô thị, cân nhắc tín dụng bất động sản]
Trong khi đó, hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả. Hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác lập quy hoạch còn thiếu…
Trong khi đó, ở địa phương, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tầm nhìn còn hạn chế, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi; quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch chưa công khai, kịp thời; chính quyền đô thị chưa chủ động ban hành các văn bản điều hành, chuyển hóa các nội dung quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển đô thị phù hợp từng thời kỳ.
Đặc biệt, việc chưa ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp trên, trong khi các tỉnh đồng loạt triển khai lập Quy hoạch tỉnh đã làm ảnh hưởng đến nội dung Quy hoạch tỉnh khi được phê duyệt và triển khai trong quá trình thực hiện.
“Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức; công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp,” ông Chính nhấn mạnh.
Tập trung xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh
Để tìm lời giải cho thực trạng trên, tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 này, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chuỗi hội thảo để các cơ quan, các nhà quản lý và giới chuyên gia cùng tìm ra giải pháp cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới.
Trong đó, hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững” tập trung đi sâu phân tích, đánh giá và thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Cùng với đó là việc đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; các yêu cầu bảo đảm để quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới…
Tại hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị,” các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị; hoạt động đầu tư và mở rộng, nâng cấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các khu vực nghèo, để góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy hòa nhập đô thị.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị, cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị, hạ tầng số cần được thúc đẩy để xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có.
Với hội thảo chuyên đề số 3 về “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị,” các đại biểu tập trung vào sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị, nhằm phát huy vị thế, nguồn lực đổi mới, sáng tạo của đô thị Việt Nam.
Các nội dung trao đổi, thảo luận tại các hội thảo được Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ hỗ trợ thiết thực cho các địa phương định hướng, đề xuất các chương trình hành động để nắm bắt thời cơ và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.
Trong khuôn khổ hội nghị, một số hoạt động khác cũng đã được tổ chức như triển lãm trưng bày thành tựu phát triển đô thị tại Việt Nam./.