Dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2014 diễn biến bất thường với số trường hợp mắc và tử vong cao, khiến dư luận xã hội rất lo lắng.
Để có một nhận định thấu đáo về tình hình dịch sởi hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Kohei Toda - Chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này.
Thưa ông, cho đến nay dịch sởi đã bùng phát mạnh với nhiều trường hợp mắc mới ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam. Là một chuyên gia của WHO, ông có thể cho biết tại sao dịch sởi lại bùng phát trở lại với những biến chứng phức tạp như vậy?
Tiến sỹ Kohei Toda: Từ năm 2000 đến năm 2012, việc tiêm phòng vắcxin sởi đã làm giảm 78% tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này trên toàn thế giới, kể cả ở những quốc gia nói trên. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một bộ phận trẻ em không được tiêm phòng hoặc chưa đến tuổi tiêm phòng ở những quốc gia này chính là nguyên nhân khiến nguy cơ virus sởi lây lan.
Sởi là một căn bệnh rất dễ lây, nó có khả năng lây lan rất nhanh ở những người không có miễn dịch hoặc không được tiêm phòng. Để ngăn chặn sự lan rộng của dịch sởi, một quốc gia cần đạt ít nhất 95% trẻ em có miễn dịch với 2 mũi vắcxin.
Vậy đối với dịch sởi tại Việt Nam, ông đánh giá mức độ như thế nào?
Tiến sỹ Kohei Toda: Chúng tôi cho rằng dịch sởi hiện nay khá nghiêm trọng tại Việt Nam. WHO rất quan tâm đến tình hình dịch sởi hiện nay tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thông báo hơn 3.500 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 120 trường hợp tử vong.
Theo tôi, bất kỳ cái chết của một đứa trẻ nào cũng đều là một bi kịch. Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng băn khoăn là hiện nay thông tin về dịch sởi tại Việt Nam chưa được công chúng biết đến nhiều.
Tại hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn biến bệnh sởi là nghiêm trọng, chúng tôi cũng đã xem xét những diễn biến bất thường có xảy ra hay không?
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm của WHO, ông có thể phân tích nguyên nhân dịch sởi ở Việt Nam lây lan do đâu?
Tiến sỹ Kohei Toda: Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng dịch sởi tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với trẻ em dưới 5 tuổi. Sau khi xem xét kỹ thì những trẻ em mắc bệnh, chúng tôi thấy đó thường là những em chưa được tiêm vắcxin, hoặc ở những trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng.
Như tôi đã đề cập bệnh sởi là do lây nhiễm và một khi bệnh bắt đầu lây nhiễm ở trẻ em rất khó để ngăn chặn nhất là ở những trẻ em không được hoặc chưa được tiêm vắcxin. Bệnh sởi rất khó để kiểm soát, ngay cả các nước công nghiệp tiên tiến nhất cũng gặp phải tình huống như vậy.
Theo tôi, hiện nay các biện pháp phòng ngừa là quan trọng nhất, ngành y tế cần phải đảm bảo rằng trẻ em từ 9 tháng và 14 tuổi được tiêm phòng sởi. Cha mẹ cần phải đưa con em của mình đi tiêm vắcxin để tránh dịch bệnh lây lan càng sớm càng tốt, nhất là ở những đứa trẻ chưa được tiêm chủng.
Chương trình tiêm chủng quốc gia của Việt Nam thực hiện tiêm chủng thường xuyên đến 1,7 triệu trẻ Việt Nam chống lại 10 bệnh quan trọng, trong đó có bệnh sởi.
Làm thế nào để ngăn chặn và kiểm soát dịch sởi ở Việt Nam ư? Tôi cho rằng Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng và đã huy động đầy đủ hệ thống y tế của mình để đối phó với sự bùng nổ của dịch bệnh. Các bác sỹ và y tá đang làm việc hết công suất để cứu sống các bệnh nhi.
Còn ở các điểm tiêm chủng của 63 tỉnh thành cũng đang nỗ lực hết sức để để đảm bảo rằng trẻ em được chủng ngừa bệnh sởi.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của bệnh sởi có thể gây ra cho người mắc bệnh?
Tiến sỹ Kohei Toda: Bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Đây là một căn bệnh rất dễ lây, nó sẽ tấn công trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.
Đặc biệt, với những trẻ em có những bệnh tiềm ẩn như bệnh tim, viêm phổi hoặc bị suy dinh dưỡng dễ bị tổn thương nặng hơn nếu chúng bị nhiễm sởi, và có thể chết vì viêm phổi, tiêu chảy và viêm não khi biến chứng.
Một vấn đề tôi cần lưu ý là đã có một số lượng lớn các trường hợp nặng đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi tuyến đầu của cả nước. Nhiều em đã tử vong vì mắc sởi trên nền các bệnh như bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, dị tật bẩm sinh…
Virus sởi là rất dễ lây lan ở những nơi đông đúc như bệnh viện chẳng hạn, sẽ rất khó khăn để cách ly cho bệnh nhân và khó để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Ông có khuyến cáo gì với người dân Việt Nam để phòng chống bệnh sởi?
Tiến sỹ Kohei Toda: Hiện nay không có thuốc điều trị kháng virus cụ thể đối với bệnh sởi. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh nghi ngờ trẻ bị nhiễm bệnh sởi, điều quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng và cho trẻ em ăn các thức ăn dễ tiêu, đủ chất, uống nước đầy đủ. Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Tôi xin có khuyến cáo mạnh mẽ, hiện nay dịch sởi tại Việt Nam xảy ra kinh khủng. Tôi biết có nhiều trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng. Trong khi đó vắcxin sởi đơn của Việt Nam tự sản xuất được rất tốt, vậy tại sao các bà mẹ lại đi tiêm chủng vắcxin dịch vụ trong khi vắcxin sởi đơn an toàn và không mất tiền.
Tôi có khuyến nghị các bà mẹ hãy cho con mình đi tiêm chủng ngay nếu các con bạn từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo ông nhận định bao giờ thì dịch sởi ở Việt Nam được khống chế?
Tiến sỹ Kohei Toda: Câu trả lời chính ở các bạn. Người dân Việt Nam muốn dừng ngay dịch sởi thì các bậc phụ huynh phải cho các cháu tiêm vắcxin ngay. Bất kỳ trẻ nào chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ cần phải đi tiêm ngay, khi đó dịch sởi sẽ chấm dứt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!