Cơ bản hoàn thành việc trả bồi thường Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

Cùng với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và huyện Cao Lãnh quan tâm bố trí tái định cư cho người dân, đa số người dân phấn khởi với mức bồi thường và nơi ở mới.
Cơ bản hoàn thành việc trả bồi thường Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu ảnh 1Người dân ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
 

Giai đoạn 1 của Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, đoạn qua địa bàn huyện Cao Lãnh có 533 hộ bị ảnh hưởng ở 8 xã, gồm Nhị Mỹ, Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Tân Hội Trung, Mỹ Long, Mỹ Hiệp.

Phần diện tích đất bị thu hồi là hơn 890.600 m2, giá trị bồi thường, hỗ trợ (bồi thường về đất, tài sản, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm…) tổng cộng trên 512 tỷ đồng.

Từ ngày 22-30/3/2023, Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lãnh tổ chức chi trả tiền bồi thường cho người dân có diện tích đất thuộc Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu.

Có mặt tại Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh từ khá sớm, bà Lê Thị Vân tranh thủ thực hiện những thủ tục cần thiết để nhận tiền bồi thường vì một phần đất của gia đình bị thu hồi để làm đường cao tốc.

Bà Lê Thị Vân cho rằng, mức giá bồi thường cho gần 2.000m2 đất nhìn chung hợp lý nên bà ủng hộ và đồng thuận giao đất. Bà vừa nhận tiền bồi thường về đất, tài sản có trên đất là 634 triệu đồng, đã gửi tiết kiệm cho ngân hàng 600 triệu đồng.

Bà Phạm Kiên Thành ở xã Mỹ Thọ cũng vừa gửi tiết kiệm ngân hàng 338 triệu đồng từ số tiền mà nhà nước bồi thường đối với diện tích đất hơn 1.000m2 của bà.

“Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Dự án hoàn thành sẽ 'giảm tải' cho Quốc lộ 30 hiện tại, góp phần giảm tai nạn giao thông. Cùng với đó, mức giá bồi thường thỏa đáng nên tôi đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng," bà Thành cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Thọ Huỳnh Thanh Trà cho biết trong vùng Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu có 99 hộ bị ảnh hưởng. Địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động, đa số các hộ dân đều đồng tình và đã nhận tiền bồi thường trên 98,8 tỷ đồng. Chỉ còn vài hộ chưa thống nhất với giá đền bù.

Địa phương tiếp tục vận động với nhiều hình thức; trong đó, phát huy vai trò của những đảng viên tiên phong, gương mẫu, người có uy tín ở địa phương cùng tác động để bà con sớm bàn giao mặt bằng, triển khai dự án đúng tiến độ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Văn Thiêm, đến chiều ngày 30/3, việc chi trả tiền bồi thường đối với Dự án đường bộ Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu cơ bản hoàn thành ở 8/8 xã với 502/533 hộ (đạt 94%) đã nhận tiền.

[Hơn 6.000 tỷ đồng làm đường Cao tốc nối Đồng Tháp với Tiền Giang]

Đa số các hộ dân phấn khởi nhận tiền bồi thường và giao đất để làm đường cao tốc. Một số hộ chưa nhận tiền vì vướng thủ tục và đi làm ăn xa, chưa về kịp, còn số hộ khiếu nại thì rất ít.

Để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người dân khi đến nhận tiền bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất còn phối hợp với các ngân hàng để người dân có thể đăng ký nhận tiền qua tài khoản ngân hàng thay cho việc nhận tiền mặt.

Cùng với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và huyện Cao Lãnh quan tâm bố trí tái định cư cho người dân.

Cơ bản hoàn thành việc trả bồi thường Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu ảnh 2Người dân gửi tiết kiệm sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại các khu tái định cư để người dân an tâm khi di dời vào nơi ở mới; nhanh chóng di dời những công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, hạ tầng viễn thông… trước khi Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu khởi công xây dựng.

Dự án đường Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn huyện Cao Lãnh có 101 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư, tổng cộng 117 nền.

Hiện tại, huyện đã hoàn tất các phương án bố trí tái định cư cho những hộ dân đủ điều kiện ở 2 khu tái định cư là Cả Môn (xã Nhị Mỹ) và Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp).

Các khu tái định cư được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ như đường giao thông, điện, nước sạch, viễn thông…, phục vụ nhu cầu đi lại và sinh hoạt của người dân.

Là một trong số 99 hộ dân của xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh bị ảnh hưởng bởi Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, anh Nguyễn Thanh Bình đồng ý giao mặt bằng hơn 2.000m2, trên đất có ngôi nhà kiên cố, nhiều cây ăn quả… và đã nhận đủ số tiền bồi thường hơn 4 tỷ đồng.

Sắp tới, gia đình anh di dời đến nơi ở mới tại khu tái định cư Cả Môn.

“Nền nhà mà tôi được bố trí tái định cư gần với trung tâm thành phố Cao Lãnh. Khu tái định cư có điện, nước sạch đầy đủ, đường sá khang trang nên tôi an tâm chuyển về nơi ở mới,” anh Bình chia sẻ.

Dự án công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1 có chiều dài hơn 27 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng.

Dự án đường Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1 được chia thành 2 dự án thành phần. Trong số đó, dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng với chiều dài 16km, điểm đầu tại Km0+000 thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh và điểm cuối tại Km16+000 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh.

Dự án Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Tây Nam bộ cũng như cả nước nói chung.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và cả hệ thống chính trị huyện Cao Lãnh nỗ lực thực hiện tuyên truyền, vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để dự án khởi công xây dựng trong quý 2/2023.

Song song đó, quan tâm đền bù, hỗ trợ hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án và bố trí tái định cư… giúp người dân sớm “an cư,” ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục