Cơ chế đầu tư đặc thù giảm ùn tắc giao thông tại Tân Sơn Nhất

UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số cơ chế đặc thù để triển khai ngay 2 dự án cấp bách, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định tại Sân Sơn Nhất.
Cơ chế đầu tư đặc thù giảm ùn tắc giao thông tại Tân Sơn Nhất ảnh 1Các hãng hàng không Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận một số cơ chế đặc thù để triển khai ngay 2 dự án cấp bách, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Văn bản kiến nghị trên nhằm thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giao thông chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, cho phép triển khai lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn; chỉ định thầu xây lắp thuộc 2 dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn/đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-vành đai ngoài và nút giao thông Nguyễn Thái Sơn/Nguyễn Kiệm.

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn/đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-vành đai ngoài, quận Tân Bình có tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 là 394 tỷ đồng.

Trước mắt, xây dựng cầu vượt trực thông 1 chiều (cầu thép) dạng chữ Y, theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc nội và nhánh còn lại vào nhà ga quốc tế. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, xây dựng hầm chui qua đường Trường Sơn theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà.

Dự án xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn/Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp với tổng mức đầu tư là hơn 504 tỷ đồng. Dự án có quy mô xây dựng cầu vượt thép dạng chữ Y theo nhánh Nguyễn Thái Sơn-Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám-Nguyễn Kiệm.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tình hình giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, lưu lượng giao thông tại các khu vực cửa ngõ thành phố liên tục tăng cao, nhất là tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Với thiết kế duy nhất một lối ra vào nằm trên đường Trường Sơn ở quận Tân Bình để phục vụ toàn bộ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cùng với đà tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng hành khách đã dẫn đến tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay và các khu vực lân cận.

Cụ thể là tại các nút giao thông Trường Sơn, Hồng Hà, cổng ga quốc tế; Lăng Cha Cả; Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng; các tuyến đường Trường Sơn, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn… Tốc độ lưu thông trung bình rất thấp (19 km/h, trong giờ cao điểm chỉ đạt từ 6 km/h đến 10 km/h), tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra thường xuyên, nhất là vào các giờ cao điểm, trời mưa đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của sân bay và tình hình giao thông trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có công suất hàng năm đạt 25 triệu hành khách và một triệu tấn hàng hóa.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, số lượt hành khách trong năm 2015 đã vượt qua 25 triệu lượt và dự báo sẽ đạt 30 triệu lượt hành khách/năm từ năm nay.

Với thực trạng như vậy, hạ tầng cơ sở của Sân bay Tân Sơn Nhất và hạ tầng giao thông khu vực xung quanh sân bay không thể đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng đến khả năng khai thác sân bay, an toàn giao thông khu vực xung quanh sân bay, tạo ấn tượng không đẹp với người dân trong nước và khách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục