Bác sỹ Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho hay, các bác sỹ của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một cô gái trẻ 25 năm sống chung với bệnh động kinh và kết quả cho thấy, bệnh nhân không còn cơn giật.
Đó là trường hợp của chị T.N.T, 29 tuổi (ở Sài Gòn). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, có những ngày T lên tới 40 cơn giật.
[70% người nghiện ma túy tổng hợp thường có biểu hiện loạn thần]
T. có một con gái, chồng thì bỏ gia đình vì nghĩ vợ bị tâm thần, chỉ còn mẹ đẻ của cô bên cạnh chăm con gái.
Đến tháng 8/2018, bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được Hội đồng động kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hội đồng động kinh Saint Anne (Pháp) chẩn đoán động kinh kháng thuốc, loạn sản vỏ thùy trán. Các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt tổn thương.
Hiện tại, sau phẫu thuật, chị T. không còn cơn giật, không còn biến chứng, không còn trầm cảm và tự tin hòa nhập với cuộc sống.
Bác sỹ Văn cho biết, việc tìm lại nụ cười cho chị T. là cả 1 hành trình dài không ngừng hết hy vọng của mẹ đẻ chị T. và sự nỗ lực của cô gái trẻ.
Theo bác sỹ Văn, để trở thành ứng viên phẫu thuật động kinh phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, bệnh nhân phải đảm bảo ít nhất 2 trong 3 điều kiện. Đó là lâm sàng phải phù hợp với điện não đồ; Hình ảnh Cộng hưởng từ phải tìm thấy tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải điều trị theo thuốc chống động kinh phù hợp ít nhất trong 2 năm, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra tâm lý thần kinh trước mổ, hội chẩn và quyết định phương án phẫu thuật.
Các bác sỹ đã tiến hành sử dụng kính vi phẫu, hệ thống định vị, phẫu thuật nội soi, có những trường hợp phải sử dụng điện não. Phẫu thuật để khu trú vùng sinh động kinh.
Bác sỹ Văn cũng cho hay, ngoài phương pháp phẫu thuật cắt tổn thương còn có phương pháp khác như: kích thích dây X, phẫu thuật kích thích não sâu cũng là những tiến bộ đang chuẩn bị được áp dụng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.../.