Kể từ khi Việt Nam đưa vào khai thác tuyến cao tốc đầu tiên (tuyến Hồ Chí Minh-Trung Lương) năm 2010, đến nay cả nước đã đưa thêm 6 tuyến cao tốc nữa vào khai thác với tổng chiều dài 750km, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, gần 6 năm qua các tuyến cao tốc vẫn chưa có tiêu chuẩn, định mức riêng cho việc quản lý, vận hành và bảo trì, điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác này trên thực tế.
Tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang mặc dù mới thu phí chính thức được chưa một tháng (từ ngày 25/6 vừa qua) nhưng đang bộc lộ một số vấn đề trong vận hành, bảo trì. Theo khảo sát của phóng viên trong những ngày qua, tại một số đoạn tuyến, ở dải phân cách giữa, cỏ, cây dại mọc chìa ra lòng đường. Nhiều đoạn qua thành phố Bắc Giang, đất cát sau khi thi công chưa được thu dọn, vương ra mặt đường gây mất mỹ quan và khó khăn cho phương tiện qua lại.
Đề cập đến vấn đề này, ông Quốc Anh, Phó Giám đốc Công ty BOT Hà Nội-Bắc Giang nêu lý do: “Do tuyến vừa đưa vào vận hành, nhiều việc nên việc tổ chức bảo trì, bảo dưỡng chưa được tập trung; bắt đầu vào mùa mưa, cỏ mọc nhanh, công nhân, máy móc cắt không xuể..."
Trao đổi với đại diện Cục quản lý đường bộ cao tốc (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) về hiện trạng này, Cục phó Nguyễn Tuấn Anh, cho biết: “Cục thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra tuyến này và cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư chú trọng công tác vận hành, bảo trì. Gần đây nhất, qua kiểm tra đánh giá thực tế trên tuyến về công tác bảo trì mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhà đầu tư cần phải khắc phục trong thời gian tới”.
“Chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu chấn chỉnh vấn đề này, sau thời gian quy định nếu chủ đầu tư không cải thiện vấn đề này, chúng tôi sẽ đề xuất biện pháp xử lý, nặng nhất là ngừng thu phí” - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Tương tự, phóng viên cũng đã khảo sát tại cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là Hà Nội-Hải Phòng những ngày qua, tại một số đoạn tuyến, dải phân giữa đã xuất hiện nhiều rác, nhiều đoạn đã sỏi, cát văng vãi trên đường, đặc biệt làn xe ngoài cùng cũng đã xuất hiện cỏ, cây dại mọc chìa ra lòng đường....
Về hiện trạng này, ông Lê Xuân Tú, Phó Ban Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cho biết: “Để thực hiện các công việc bảo dưỡng đường cao tốc, hiện chúng tôi vẫn phải thuê dịch vụ (như xe quét, hút bụi đường, xe rửa đường..). Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mua sắm những trang thiết bị này để chủ động hơn trong công tác bảo trì, bảo dưỡng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.”
“Về thực trạng trên đường có xuất hiện cỏ mọc cao, rác trên đường, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Hiện cứ định kỳ 2 tháng một lần, chúng tôi thực hiện việc quét hút và rửa đường, trong thời gian tới, hy vọng Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Tiêu chuẩn bảo dưỡng đường cao tốc để việc bảo trì, bảo dưỡng đường cao tốc đang được thực hiện thuận lợi hơn, chứ hiện nay công việc này vẫn đang phải vận dụng các tiêu chuẩn của đường quốc lộ thông thường,” ông Lê Xuân Tú chia sẻ.
Theo đánh giá, hiện vướng mắc lớn nhất trong vận hành, bảo trì đường cao tốc là chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ sở để tính chi phí. Điều này dễ phát sinh nhiều bất cập về chất lượng và khả năng đội phí qua trạm.
Đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam- Vidifi) cho hay: Dự toán cho bảo trì tuyến đường 105 km này lên đến 50 tỷ đồng/năm, tương đương gần 500 triệu đồng/km/tháng (bao gồm bảo trì mặt đường, hệ thống điện, hệ thống chống động đất cho cầu...).
Trong khi đó, Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng vừa trình Tổng cục Đường bộ phê duyệt dự toán bảo trì ba tuyến cao tốc (Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương) trong năm 2016 là 74,4 tỷ đồng. Tuyến Hà Nội- Bắc Giang có dự toán chi phí bảo trì chiếm 0,65% tổng số phí thu được.
“Hiện nay, chúng tôi cố thực hiện bảo trì theo khuyến cáo của các nhà thầu xây dựng. Chúng tôi cũng rất lo ngại khi bảo trì xong, vượt khung, lại không được thanh toán,” đại diện Vidifi nói.
Còn theo theo đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang cho rằng: “Do chưa có định mức nên không dám quyết chi tiền để bảo trì.”
Tuy nhiên, thực trạng bảo trì không có cơ sở để tính chi phí dấy lên lo ngại sẽ tăng chi phí đầu tư, vận hành dẫn đến tăng phí. Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, các tuyến BOT hiện nay chia thành hai loại: Đường cao tốc (chưa có các quy định về bảo trì); Đường BOT không phải là cao tốc (đã có quy định về bảo trì). Hiện Vụ Bảo trì và Cục Cao tốc đang gấp rút soạn thảo các quy định về chất lượng, cơ sở tính chi phí bảo trì đường cao tốc để ban hành trong một vài tháng tới.
“Trong thời gian này, khi chưa có tiêu chuẩn được ban hành, thì các tuyến đường cao tốc vẫn được bảo dưỡng bình thường. Các tiêu chuẩn, định mức của từng tuyến đường sẽ được căn cứ vào từng đặc điểm của công trình để xác định các công việc cần phải làm để thực hiện việc bảo dưỡng tuyến đường đó,” ông Lê Hồng Điệp cho hay.
Lý giải về việc chậm ban hành tiêu chuẩn bảo dưỡng đường cao tốc, theo ông Lê Hồng Điệp, vì hệ thống đường cao tốc mới được phát triển tại Việt Nam nên chưa có thực tế để xây dựng các tiêu chuẩn, kỹ thuật về bảo dưỡng. Vì vậy, nhiều tuyến đường cao tốc cần được quan sát, theo dõi trong thời gian còn bảo hành, nếu có phát sinh sửa chữa, bảo dưỡng thì yêu cầu nhà thầu bảo hành. Còn ngoài thời gian bảo hành, các tuyến đường sẽ được theo dõi thực tế để xây dựng các tiêu chuẩn, định mức riêng cho phù hợp với hệ thống.
"Khi ban hành quy chuẩn yêu cầu cần một thủ tục ban hành chặt chẽ, chính xác cao cho nên tại làm sao các tiêu chuẩn về đường cao tốc đang được xây dựng, chỉnh sửa khẩn trương... để làm rõ từng khâu, từng việc sao cho sát nhất thực tế,” ông Điệp nói./.