Cơm hến xứ Huế - ăn một lần là nhớ mãi hương vị thanh mát và cay cay

Cơm hến, món ăn có tên nghe hết sức dân dã nhưng hội tụ mọi phẩm chất của người Huế như cần kiệm, tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa, đã trở thành một trong những món ngon “khó cưỡng” đối với du khách.

(Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)
(Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Xứ Huế có rất nhiều món ăn nổi tiếng và nhiều món như Bún bò Huế, Bánh bột lọc Huế, Bánh nậm Huế đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và thậm chí có thể có một vài thay đổi để cho hợp với khẩu vị từng nơi.

Nhiều món ăn rời xa Huế đều có thể chấp nhận biến tấu. Thế nhưng chỉ riêng món cơm hến thì tuyệt nhiên không thể. Khi không còn ở Huế, không được chế biến đúng kiểu Huế thì không còn là cơm hến. Bởi một lý do rất đơn giản, cơm hến mang đậm hồn Huế đến mức nó chẳng chịu bất kỳ sự thay đổi nào.

Nguồn gốc cơm hến Huế

Cơm hến khi nghe qua rất dân dã ấy hội tụ mọi phẩm chất của người Huế như cần kiệm, tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa… đã trở thành một trong những món ngon “khó cưỡng” đối với du khách.

Đến với vùng đất Cố đô, du khách nên ít nhất một lần nếm thử cơm hến. Đây là món ăn mang lại cho thực khách cảm giác vừa thanh đạm lại vô cùng đậm đà phù hợp với đông đảo du khách. Không chỉ đặc biệt ở hương vị mà những nguyên liệu đều tươi ngon, đậm vị.

Theo người xưa kể lại, nguồn gốc cơm hến có cách đây hơn 200 năm. Một hôm, gia đình người đàn bà họ Huỳnh không bắt được tôm, cá nên đành ăn cơm nguội với hến. Bởi mùi vị đặc biệt nên từ đó nó món ăn này đã trở nên phổ biến khắp Cồn Hến và đông đảo người dân ở Huế.

Dưới đời vua Thành Thái, bà Nguyễn Thị Thẹp đến cào hến tiến vua tại Cồn Hến. Lúc này, Vua phong hiệu lập ra phường Hến và thưởng thức món cơm hến. Kể từ đó, cơm hến ở Cồn Hến trở thành vật phẩm cung đình mỗi dịp Lễ Tết.

Cách chế biến kỳ công bậc nhất

Cơm hến chỉ là cơm ăn với hến. Nghe qua đơn giản như cơm gà, cơm tấm... Thế nhưng, món ăn được xem là của con nhà nghèo đó không hề đơn giản một chút nào mà còn sở hữu một quá trình chuẩn bị, chế biến rất cầu kỳ, tỉ mẩn.

com-hen2-5043.jpg
Phần thịt hến. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Hến được dùng để chế biến món cơm này phải là hến được bắt ở Cồn Hến - cồn đất do phù sa dòng Sông Hương bồi đắp. Nước Sông Hương khi chảy qua Cồn Hến trong vắt, ít phù sa và phèn, dưới chân cồn có một lớp bùn sâu. Bởi điều kiện thuận lợi nên hến ở Cồn Hến có vị ngon ngọt và đã từng dùng làm món ăn tiến Vua ngày trước.

Hến được cào từ lúc chạng vạng sáng, rửa qua cho sạch bùn và chuyển về các lò hến. Lúc này, hến được ngâm trong nước vo gạo để nhả hết chất bẩn. Sau khi đã sạch, hến được cho vào nồi luộc để lấy thịt (người Huế gọi là mặt hến) và nước luộc hến.

Khác với những món ăn khác luôn sử dụng các loại nguyên liệu tươi nóng, Cơm hến lại sử dụng cơm nguội để qua đêm và các hạt cơm phải tời, không dính nhau. Chính lớp cơm nguội sẽ tôn lên cái giòn, ngọt của các nguyên liệu có trong một bát cơm hến.

Phần thịt hến được đem xào nhanh với miến gạo, măng khô xé nhỏ và thịt lợn ba chỉ thái mỏng. Xào cho vừa chín là nhấc ra luôn nếu để lâu hến sẽ bị dai.

com-hen3-4240.jpg
Các nguyên liệu khác đi kèm. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Nước luộc hến cho vào nồi đun nóng, đập vài miếng gừng và gia giảm chút gia vị cho vừa miệng. Tiếp đến là chuẩn bị những thành phần phụ khác như ớt tương, ớt dầm nước mắm, mắm ruốc, bánh tráng bóp vụn, muối rang, lạc chao qua mỡ hoặc dầu rồi giã thô, vừng rang, bóng bì chiên giòn, tóp mỡ.

Một phần quan trọng không kém là rau sống để ăn cùng cơm hến. Rau sống ở đây chỉ là thân chuối, bắp chuối thái thật mỏng, dọc mùng, rau thơm, dứa và khế xắt nhỏ. Vị chát, chua, tê, hăng, mát của rau sống sẽ làm cho hương vị của bát cơm hến thêm nồng nàn.

Thưởng thức món cơm hến đúng kiểu

Cơm hến khiến bao du khách ăn một lần là nhớ mãi bởi hương vị thanh mát, cay cay. Tuy nhiên, nếu không biết cách thưởng thức, món ăn này sẽ trở nên tanh và mất đi vị đậm đà.

Bạn nên tách riêng canh và cơm ra từng bát để nếm trọn vị ngon của món ăn đặc sản Huế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bánh dầy Quán Gánh

Bánh dầy Quán Gánh

Làng nghề bánh dầy Quán Gánh tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội, có từ lâu đời được người dân nhiều đời gìn giữ. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)