Trong tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội, bác Thi (78 tuổi, Hội trưởng hội người cao tuổi thôn Hạ, Mễ Trì) khẽ nhúm vài hạt cốm, đưa lên miệng rồi kể rằng: “Cách đây gần 200 năm, nghề cốm đã trở thành nghề của làng rồi. Chúng tôi là con cháu đời sau, kế nghiệp các tiền nhân để lại.”
Đã có thời, nhiều người ở Mễ Trì sống nhờ vào cốm mỗi độ thu về. Nhưng nay, cái nghề truyền thống ấy đang đứng trước những mai một. Nhăn trán, bác Thi buồn bã bảo rằng, lớp cao tuổi trong làng sợ vắng đi một nét văn hóa ẩm thực của đất Hà Thành.
Ông Đỗ Danh Lỗ trưởng thôn của Mễ Trì Hạ cho hay, hiện trong làng chỉ còn khoảng 30 hộ còn kế tục nghề làm cốm. Nay, ai gắn bó với cốm phải là người tâm huyết lắm, bởi làm cốm giờ không cho thu nhập bằng các nghề khác.
Rồi ông bảo, làm cốm vất vả lắm. Người ta phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để bắt đầu làm cho kịp mẻ phiên chợ sáng.
Này nhé, sau khi đã có nguyên liệu là thóc non đãi sạch, người ta sẽ rang trong chảo to. Khi hạt thóc chuyển từ màu xanh sang trắng, có mùi thơm là chín. Sau đó, dùng máy xát cho cốm sạch vỏ rồi giã cho mềm, sàng vài lần cho sạch trước khi cho vào lá sen để đem đi bán.
Anh Bền (xóm 3 thôn Thượng, Mễ Trì) kể, trước đây sẵn lúa nhà mình gặt về làm lấy, còn giờ phải đi mua tận Vĩnh Phúc, thậm chí cả ở Bắc Ninh… Để có một mẻ cốm ngon đòi hỏi người thợ phải thực sự khéo tay và tinh tế.
Đã trải qua ba đời gắn bó với nghề cốm, anh Bền thấu hiểu nỗi vất vả để có những mẻ cốm thơm ngon. Mỗi mùa cốm về cả nhà anh lại tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm hàng.
“Trước đây cả làng này đều sống bằng nghề làm cốm, nhưng nay đời sống khá lên, họ bỏ nghề hết, ruộng đất thì bán làm nhà, cho thuê trọ nên chẳng còn mấy ai ‘bám’ nghề,” anh nói.
Quệt vệt mồ hôi trên trán, tay vẫn không ngừng sàng sảy, anh Khiêm (xóm 2, Thôn Hạ) bảo đây là nghề gia truyền nên không thể bỏ được. “Bố tôi trước lúc nhắm mắt xuôi tay còn dặn dò ‘cố gắng với nghề, chăm chỉ thì không lo túng thiếu đâu.’ Âu cũng là cái duyên, đâu phải sinh ra ai cũng được truyền nghề. Tuy vất vả, nhưng giờ ít người làm nên giá cốm cũng cao, ở mức 150-180.000 đồng/kg,” anh nói.
Cho dù có thu nhập, nhưng nhiều người giữ lửa cốm ở Mễ Trì vẫn buồn. Phần vì giờ làng vắng tiếng chày giã, phần vì thương hiệu cốm Mễ Trì gần như rất ít người biết đến.
Ông Lỗ bảo, để khắc phục điều đáng buồn này, Đội tuyển SIFE (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) phối hợp với VTC10, chính quyền và nhân dân xã Mễ Trì sẽ tổ chức chương trình “Ngày hội văn hoá làng cốm Mễ Trì năm 2012” vào ngày 6/10.
Tại ngày hội, các sản phẩm chế biến từ cốm (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm) và một số đặc sản khác của đất Hà Thành (bún thang, bánh cuốn,…) cũng được giới thiệu tới người dân. Tại đây, khách thăm quan cũng sẽ được thưởng thức một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của dân làng cốm.
Dịp chày giã cốm vang lên khắp thôn khi ánh chiều tà dần phủ buông, khói bếp nghi ngút bốc lên từng mái ngói hứa hẹn những mẻ cốm thơm ngát. Tin rằng, với sự nỗ lực của người dân Mễ Trì, làng cốm sẽ ngày càng ghi dấu ấn, trở thành phong vị không thể thiếu của đất Hà Thành./.