Còn 4.200 đường ngang luôn có ‘tử thần’ rình rập người qua đường

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt nước ta hiện nay vẫn còn 4.200 lối đi tự mở (bất hợp pháp) không có gác chắn.
Còn 4.200 đường ngang luôn có ‘tử thần’ rình rập người qua đường ảnh 1Một đoạn đường ngang dân sinh trên đường Phùng Hưng tại Hà Nội, người dân còn bắc ván để dễ bề đi lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuyến đường sắt nước ta vẫn còn 4.200 lối đi tự mở (bất hợp pháp) không có gác chắn và nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ dùng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ để cuối năm làm xong gờ giảm tốc.

[Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm về các vụ tai nạn đường sắt]

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tại thời điểm tháng Sáu vừa qua, đường sắt vẫn còn 5.719 đường giao cắt, trong đó 1.519 giao cắt hợp pháp có gác chắn và 4.200 lối đi tự mở (bất hợp pháp) không có gác chắn. Trong năm 2017 và sáu tháng đầu năm nay, ngành đường sắt và các địa phương đã xoá được 215 lối đi tự mở.

Chỉ ra tồn tại cố hữu của các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang.

“Lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới gần 42%; cùng đó, lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm gần 9% và lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm trên 11%,” ông Hùng đưa ra một loạt thông số qua phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Thừa nhận công tác triển khai các đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh, bảo đảm hành lang an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn, theo ông Hùng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

“Nếu không làm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ vẫn còn tai nạn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt. Để xảy ra thì chỉ mới phê bình mà chưa có hình thức nào xử lý nặng hơn,” ông Hùng nhấn mạnh.

[Ngành đường sắt cần 1.700 tỷ đồng để xóa các điểm ‘thần chết’]

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm nay phải làm gờ giảm tốc toàn bộ các ngã giao đường dân sinh. Kinh phí sử dụng quỹ bảo trì đường bộ và Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ làm gờ giảm tốc tại các đường ngang.

“Tới đây, đường sắt mới cũng sẽ có hộ lan, hàng rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông. Các địa phương thực hiện nghiêm đúng lộ trình cuối năm làm xong gờ giảm tốc, bởi đây là giải pháp không tốn kém nhưng hiệu quả,” ông Thể cho hay.

Tai nạn đường sắt –“Nhanh một phút, chậm cả đời”. (Nguồn: VNEWS)

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an toàn giao thông sáu tháng đầu năm nay vào ngày 5/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, số lượng lớn đường ngang bất hợp pháp cộng với ý thức của người tham gia giao thông không tốt đã gây ra các vụ tai nạn đường sắt.

“Vấn đề này đã từng được đề cập nhiều lần. Dứt khoát phải xóa sổ đường ngang này. Các đơn vị liên quan cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt; xây dựng đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trình Thủ tướng Chính phủ ban hành,” Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chỉ sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mà trong năn 2019 cần tính toán để lại phần lớn tiền xử phạt vi phạm giao thông cho địa phương để xử lý điểm đen và hộ lan cho đường sắt./.

Hiện ngành đường sắt đã lập kế hoạch lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo tại 50/260 vị trí có nguy cơ tai nạn cao, nâng cấp 100 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động, bố trí lực lượng cảnh giới tại 55 vị trí; lắp đặt camera hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát an toàn tại 652 đường ngang.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp cùng các địa phương rào thu hẹp 1.751/1.966 vị trí; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 2.961/4.200 vị trí; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 204/883 vị trí; tổ chức cảnh giới tại 362/654 điểm giao cắt nguy hiểm; xây dựng gồ giảm tốc 161/1.583 vị trí…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục