Công bố hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai

Các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai chủ yếu là do sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư, qua kiểm tra hậu kiểm một số trường hợp vẫn chưa khắc phục các tồn tại.
Công bố hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố danh sách hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai ở một số địa phương trên cả nước. Các sai phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư... hay qua kiểm tra, hậu kiểm một số trường hợp vẫn chưa khắc phục các tồn tại.

Đây là danh sách các tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tháng 5 và tháng 6/2021.

Việc công khai vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được diễn ra trong đúng khuôn khổ pháp luật và hiệu quả hơn.

Theo quy định trên, ngày 24/6/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã có văn bản số 2720/UBND-ĐTXD gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả thực hiện công khai vi phạm đối với 21 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương. Qua rà soát kết quả thanh-kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng đất từ năm 2014 đến nay, tỉnh Phú Yên có 21 dự án, công trình vi phạm với tổng diện tích đất trên 2,3 triệu m2 đã đăng công khai theo quy định.

Một số tổ chức sử dụng đất với diện tích lớn, vi phạm trong thời gian qua như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên hơn 1,3 triệu m2; Công ty trách nhiệm hữu hạn Asia Hawai Ventures hơn 495,5 nghìn m2; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Tùng 100.000m2; Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông kiến Kuan-Liên 100.000m2…

[Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sổ đỏ phải ghi tên cả 2 vợ chồng]

Cũng trong tháng 6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã có Công văn số 4597/STNMT-TT gửi Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý đối với 54 dự án với tổng diện tích 673,43ha.

Đến nay, qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phát hiện 39 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 507,53ha phải công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tổng cục Quản lý đất đai theo quy định. Cụ thể, tỉnh này đã có quyết định, văn bản chỉ đạo thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, thuê đất đối với 12 dự án với tổng diện tích 33,85ha; đang tiếp tục theo dõi xử lý đối với 27 dự án với 473,68ha.

Công bố hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước đó, trong tháng 5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ phối hợp với Sở Thông tin tuyền thông của tỉnh cũng đã thực hiện công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Phú Thọ đối với 29 trường hợp (tổ chức sử dụng đất) vi phạm pháp luật đất đai.

Một số tổ chức sử dụng đất vi phạm với diện tích lớn như: Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 126.716m2; Công ty cổ phần Bảo Sơn xanh hơn 147.280m2; Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm GOC hơn 41.512m2…

Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 5/2021 cũng đã công khai danh sách về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai đến năm 2021 đối với 30 tổ chức vi phạm. Một số tổ chức sử dụng đất vi phạm với diện tích lớn như: Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và thương mại tổng hợp Quý Gia tại Hà Tĩnh với diện tích 136.300m2; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng 134.360; Công ty trách nhiệm hữu hạn PhoneSack Việt Nam 299.815m2…

Tại Điện Biên, qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Tài nguyên Môi trường về việc công khai vi phạm đối với 5 trường hợp gồm: Công ty cổ phần Thịnh Vượng; Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Ngọc Dũng; Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên; Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp Trung ương, chi nhánh Điện Biên; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên.

Trong số 5 trường hợp trên, Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp Trung ương, chi nhánh Điện Biên là trường hợp có diện tích đất vi phạm lớn nhất với hơn 263.509m2 (đất công ty đang quản lý, sử dụng) và 97.598m2 (đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng).

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, hình thức vi phạm của Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp Trung ương, chi nhánh Điện Biên chủ yếu là không thực hiện cắm mốc giới trên thực địa; quản lý sử dụng diện tích đất được giao không đúng; không thực hiện đăng ký biến động về đất đai, ban hành quyết định giao đất cho cán bộ và công nhân sử dụng làm nhà ở sai mục đích và không đúng thẩm quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.