“Để giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4%, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ và một số bộ ngành cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên chỉ số giá tiêu dùng.”
[Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai?]
Trả lời phỏng vấn báo chí bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê, đưa ra kiến nghị trước bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm 2018 có mức tăng cao 3,29% so với cùng kỳ và tăng 2,22% so với tháng 12 năm 2017.
- Với mức tăng như hiện nay, bình quân CPI tăng 0,37%/tháng và cao hơn rất nhiều so với mức 0,03%/tháng so với 6 tháng đầu của năm 2017. Theo bà nguyên nhân nào đã khiến CPI 6 tháng tăng mạnh như thế?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Một trong những nguyên nhân tác động làm tăng chỉ số CPI phải kể đến việc điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý trong sáu tháng qua.
Các địa phương thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT (ngày 15/3/2017) của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố, điều này làm cho giá các mặt hàng dịch vụ y tế cộng thêm 25,68% và khiến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua tăng khoảng 0,99% so cùng kỳ năm 2017.
Thêm vào đó, lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (ngày 2/10/2015) của Chính phủ, một số tỉnh đã thực hiện tăng học phí khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,06% và góp phần đẩy CPI thêm 0,36%.
Chưa hết, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp (từ ngày 1/1/2018 với mức tăng trung bình khoảng 6,5%) cũng khiến giá một số loại dịch vụ, như dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, điện, nước hay bảo dưỡng nhà ở và thuê người giúp việc gia đình…, có mức tăng giá tăng khoảng từ 2% - 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Bên cạnh đó, yếu tố thị trường có ảnh hưởng như thế nào đến đà tăng của CPI, thưa bà?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Mặc dù trong tháng Sáu, giá lương thực đã giảm mạnh nhờ yếu tố được mùa. Song tính tổng thể cả 6 tháng, nhóm hàng lương thực vẫn tăng giá 4,29% so với cùng kỳ và góp phần làm cho CPI tăng 0,19%, do mặt hàng gạo lên giá vào dịp Tết Nguyên đán và theo giá thị trường xuất khẩu, vì ở thời điểm đó nhu cầu nhập gạo từ thị trường Trung Quốc và thị trường các nước Đông Nam Á tăng mạnh.
Một yếu tố khác, giá thịt lợn trên thị trường tăng liên tục trong các tháng Hai, tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu. Lý do, thời gian trước các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại đã thua lỗ rất nặng và phải bỏ chuồng. Hiện, nguồn cung trên thị trường giảm sút do chủ yếu đến từ các công ty chăn nuôi có quy mô lớn.
Thêm vào đó, biến động giá từ thị trường quốc tế đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên 19,8%, do các nhà cung cấp chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô (như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất...).
Ngoài ra, tâm lý tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ vào các thời điểm nhu cầu tiêu dùng gia tăng (như dịp Tết và mùa hè) đã làm cho mặt hàng đồ uống, thuốc lá, quần áo may sẵn tăng bình quân khoảng 1,36% và giá dịch vụ giao thông tăng 1,81%, giá nhóm du lịch trọn gói tăng khoảng 2,41%.
Một thực tế khác đáng lưu tâm, nhu cầu xây dựng trên thị trường vẫn đang tăng trong khi Trung Quốc đang cắt giảm sản lượng thép và khiến mặt hàng này đi lên, chưa hết giá xi măng cũng tăng, những điều đó đã tác động đến nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở và làm cho giá tăng 9,09%. Trên thế giới, giá các mặt hàng thiết yếu (như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,…) có xu hướng đi lên đồng thời gây ảnh hưởng tới chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam tăng 1,08% cũng như số giá sản xuất công nghiệp trong nước tăng 2,83%.
Chưa hết, thị trường bất động sản sôi động và tăng mạnh (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...) đã đẩy giá nhà cho thuê tăng 1,3%.
- Bà đánh giá như thế nào về hoạt động điều hành từ các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát lạm phát ở mức 4% như theo kế hoạch đề ra?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, các quyết sách điều hành của Chính phủ và quá trình thực thi từ các bộ ngành đã góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng trong sáu tháng.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 1/1/2018), trong đó đặt yêu cầu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%, các ngành, các cấp đã khẩn trương vào cuộc.
Như trong các dịp lễ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhờ đó hiện tượng tăng giá đột biến đã không xảy ra trong thời điểm Tết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm soát thị trường, cùng với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước phù hợp với các diễn biến trên thị trường quốc tế. Điểm đáng ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cụ thể trong 6 tháng, FED đã tăng lãi suất hai lần (tháng 3 và tháng 6) khiến USD lên giá so với các đồng tiền khác. Song trong nước, với phương pháp điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm với 8 đồng tiền chủ chốt, đã giúp cho giá của USD khá ổn định. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, song không có tình trạng “sốt vàng” vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thần Tài gây bất ổn kinh tế - xã hội như những năm trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể còn tiếp tục tăng theo như kế hoạch đề ra, các bộ ngành cần phải thận trọng, cân nhắc về mặt thời gian tránh các tác động tâm lý ảnh hưởng đến thị trường cũng như đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% theo kế hoạch./.
Trân trọng cảm ơn bà!