Không phải đóng cửa cơ sở đào tạo lái xe nếu chưa lắp cabin điện tử

Cục Đường bộ đưa giải pháp gỡ khó triển khai cabin lái xe trước giờ G

Nếu cơ sở đào tạo chưa đầu tư cabin tập lái xe, thời gian đào tạo của học viên sẽ phải lùi lại và chỉ đến khi được học trên cabin, học viên mới đủ điều kiện thi.
Cục Đường bộ đưa giải pháp gỡ khó triển khai cabin lái xe trước giờ G ảnh 1Với mô hình cabin tập lái xe, người học sẽ được trải qua rất nhiều tình huống với nhiều địa hình cung đường và thời tiết khác nhau. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Liên quan đến việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin lái xe) tại các cơ sở đào tạo lái xe từ ngày 1/1/2023, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng tiến độ triển khai mua sắm, lắp đặt cabin lái xe có đáp ứng được hay không thì phụ thuộc vào 2 yếu tố là năng lực của nhà cung cấp và nhu cầu của cơ sở đào tạo lái xe.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có buổi trao đổi với ông Thống xung quanh vấn đề này.

Mới có 2 đơn vị cung ứng cabin ra thị trường

- Ông có thể cho biết vì sao phải cần thiết đưa cabin tập lái vào đào tạo lái xe trên cả nước?

Ông Lương Duyên Thống: Với mục đích nâng cao kỹ năng điều khiển cho học viên tại các trung tâm đào tạo lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 trang bị, sử dụng cabin học lái ôtô để đào tạo lái xe ôtô từ ngày 1/1/2023 góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học lái xe.

Nội dung quy trình học trong cabin học lái sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài "đề pa" lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố. Diễn biến thời tiết (nắng, mưa, đường tuyết) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau.

Mỗi học viên sẽ được thực hành 3 giờ trên cabin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe. Trong quá trình học, nếu học viên có nhu cầu sẽ đề nghị trung tâm bổ sung thêm giờ học.

Có thể nói việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe.

- Đến thời điểm này, đã có bao nhiêu đơn vị cung cấp cabin tập lái và giá thành, chất lượng các thiết bị này sẽ được kiểm tra, đối soát ra sao, thưa ông?

Ông Lương Duyên Thống: Ngày 28/12/2020 Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe tại Thông tư số 37/2020/TT-BGTVT. Các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp trong nước và nhập khẩu thiết bị phải theo quy chuẩn này, bao gồm cả nội dung các bài tập lái cụ thể. Khi sản xuất xong, doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm và phải có chứng nhận phù hợp. Sau đó, nhà cung cấp tự công bố sản phẩm sản xuất ra hợp quy, Cục Đường bộ Việt Nam công khai trên website của Cục về thiết bị này.

Các nhà cung cấp thiết bị tự chịu trách nhiệm về tính hợp quy của sản phẩm và chất lượng hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình sử dụng, các Sở Giao thông Vận tải sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm có đảm bảo theo quy chuẩn hay không.

[Trung tâm đào tạo lái xe ôtô ‘ngồi trên đống lửa’ vì cabin điện tử]

Đến nay, có 2 đơn vị cung cấp thiết bị cabin học lái xe đã được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy gồm Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghệ EcoTek (nhãn hiệu ECOTEK CABIN-EDS) và Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel-Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (nhãn hiệu VOTO).

Tất cả cabin tập lái xe sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều bắt buộc phải đưa vào thử nghiệm, chứng nhận hợp quy và công bố mới được cung ứng ra thị trường.

- Với hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước, trong khi chỉ có 2 nhà cung cấp. Ông có lo ngại tiến độ triển khai và lắp đặt cabin tập lái tại các cơ sở đào tạo liệu có bị chậm?

Ông Lương Duyên Thống: Hiện có 2 đơn vị cung ứng thiết bị cabin lái xe ra thị trường và được biết có thêm 2 đơn vị đang làm thủ tục để cấp chứng nhận hợp quy cung cấp cho sản phẩm này. Theo tính toán của Cục Đường bộ, tổng số lượng cabin lái xe là khoảng 1.000 cabin đáp ứng cho cơ sở đào tạo lái xe và năng lực của 2 nhà sản xuất cabin này qua nắm bắt tình hình đạt được xấp xỉ số lượng của các cơ sở.

Tiến độ triển khai mua sắm, lắp đặt cabin lái xe có đáp ứng nhu cầu được hay không thì phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là năng lực của nhà cung cấp và nhu cầu của cơ sở đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo mua sắm cabin lái xe cũng dựa vào phân bổ kế hoạch lưu lượng, bố trí thời gian đào tạo học viên.

Sẽ không còn đường lùi

- Trong trường hợp các trung tâm đào tạo lái xe không triển khai cabin lái xe thì có phải tạm dừng đào tạo và đóng cửa không, thưa ông?

Ông Lương Duyên Thống: Cơ sở đào tạo lái xe không nhất thiết phải đóng cửa vì nội dung đào tạo trên cabin lái xe chỉ là một trong rất nhiều nội dung đào tạo lái xe theo quy định. Nếu chưa đầu tư thì vẫn đào tạo các nội dung khác nhưng thời gian đào tạo của người học sẽ phải lùi trong một khoảng nhất định đến khi được học trên cabin lái xe mới đủ điều kiện thi.

Cục Đường bộ đưa giải pháp gỡ khó triển khai cabin lái xe trước giờ G ảnh 2Học viên thi sát hạch lái xe trên sa hình ở một trung tâm sát hạch lái xe tại Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

- Với đơn vị sự nghiệp công lập, để mua sắm cabin cần phải làm các quy trình, thủ tục đấu thầu nên mất nhiều thời gian, trong khi cuối tháng 11/2022 mới có sản phẩm cabin đầu tiên được công nhận nên các cơ sở rất bị động. Ông nhìn nhận ra sao về thực tế này?

Ông Lương Duyên Thống: Ngay từ tháng 9/2022, Cục Đường bộ đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ sở đào tạo lập các kế hoạch, hồ sơ để chuẩn bị lựa chọn nhà cung cấp thiết bị. Đến giờ, khi có đơn vị công bố sản phẩm hợp quy, các cơ sơ chuẩn bị tốt hồ sơ xong thì việc mở thầu mua sắm trang bị sẽ kịp tiến độ.

[Bộ GTVT kiên quyết không lùi lộ trình đào tạo lái xe cabin điện tử]

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe phải có cabin tập lái để phục vụ cho việc đào tạo nên đầu tư từng bước dựa vào lưu lượng đào tạo hoặc thuê dịch vụ cabin lái xe đó là tùy cơ sở lựa chọn miễn là có thiết bị để đào tạo và học viên phải học đủ 3 giờ.

- Với giá thành 400-500 triệu đồng/cabin lái xe, vừa qua, các cơ sở đào tạo đang gặp khó khăn về tài chính do dịch COVID-19 và lượng học viên cũng sụt giảm nhiều. Có ý kiến cho rằng nên lùi thời điểm và nên chọn ra khoảng 5 đơn vị thí điểm áp dụng cabin tập lái từ 3-6 tháng. Nếu thực sự phù hợp, có hiệu quả thì tiếp tục hướng dẫn và đầu tư trên diện rộng. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Lương Duyên Thống: Trước khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cabin tập lái đã đưa đến 1 số đơn vị đã đưa đến cơ sở đào tạo để thử nghiệm. Hiện tại, các văn bản Thông tư của Bộ yêu cầu thực hiện chứ không còn thí điểm.

Nếu học viên được đào tạo trên cabin lái xe thì số giờ thực hành ôtô trên đường sẽ giảm nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Hiện, các nước trên thế giới cũng đã mở cửa thông thương, khi các sản phẩm được nhập khẩu về nước ta nhiều và đa dạng chủng loại thì giá thành cạnh tranh cabin lái xe có thể sẽ thấp xuống.

- Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục