Tại buổi tọa đàm “Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn” do Báo Giao thông tổ chức ngày 8/10, các chuyên gia hàng không, y tế, đại diện các hãng hàng không và địa phương... đã hiến nhiều kế sách để tiến tới mở lại các đường bay nội địa một cách an toàn và hiệu quả.
Đa số địa phương ủng hộ bay
Tại buổi toạ đàm, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định “có căn cứ” để xúc tiến nối lại các hoạt động hàng không nội địa khi tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương đã có kết quả tích cực.
Tính đến ngày 7/10, Cục đã nhận được được 19 văn bản phản hồi của các tỉnh thành, trong đó 16 địa phương đồng ý với chủ trương tái khởi động các đường bay nội địa của Cục.
"Điều này khẳng định tâm thế sẵn sàng mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế, phòng chống dịch hiệu quả và là tín hiệu rất mừng với ngành Giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng," Phó Cục trưởng nhận định.
Hiện nay, sau khi nhiều tỉnh thành gỡ bỏ Chỉ thị 16 và chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 và 15+, người dân được di chuyển thuận lợi hơn. Chưa mở hàng không hôm nay, các phương thức giao thông khác sẽ phải gánh chịu. Con người rất sáng tạo. Họ sẽ sáng tạo ra mọi hình thức để di chuyển. Không mở cửa giao thông, mọi người sẽ tự đi. Quốc lộ bị chặn, họ sẽ đi vòng, đi lối tắt, qua đồng, qua ruộng - ông Võ Huy Cường cảnh báo, đề cập đến nguy cơ lây nhiễm, tai nạn, ốm đau dọc đường.
“Tôi cho rằng giai đoạn đầu mở cửa, chúng ta không cần bàn cãi nhiều vì có nhiều người cần tái hoà nhập cuộc sống. Những người mắc kẹt ở vùng dịch chấp nhận cách ly và biết rõ 14 ngày là có thể quay lại cuộc sống bình thường,” ông lý giải.
['Mở cửa đường bay nội địa đang là đòi hỏi bức thiết của xã hội']
Việc kết nối lại giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng “cần làm ngay” từ quy mô nhỏ để thí điểm rồi mở rộng theo giai đoạn.
Về lộ trình, việc mở cửa hàng không sẽ được thực hiện theo trình trình tự, đồng thời kết hợp rà soát, đánh giá bổ sung và điều chỉnh và nghiên cứu thực tiễn, kinh nghiệm của các nước cũng như thực tế tại Việt Nam.
Di chuyển bằng hàng không an toàn nhất
Bàn về vấn đề an toàn khi đi lại bằng đường hàng không, đại diện các hãng hàng không khẳng định toàn bộ quy trình vận chuyển của hàng không từ khi bước vào nhà ga đến khi rời khỏi nhà ga đều đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways - cho biết Hãng đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu, chuyến bay thương mại ngay cả trong giai đoạn mật độ tiêm chủng phủ chưa cao cho đến nay. Nhưng 100% tổ lái và tiếp viên của Hãng đều không ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 nào khi đang làm nhiệm vụ.
Theo thống kê chính thức của ICAO tháng 9/2020, đã có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không và chỉ phát hiện và xác định 41 trường hợp lây nhiễm chéo.
Bên cạnh đó, khi sự cố xảy ra về lây nhiễm khi di chuyển bằng hàng không, vẫn có thể nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách, chuyến bay, số ghế, nơi đến, nơi đi.
Trên thực tế, ngành hàng không đã nhiều lần phối hợp cùng Bộ Y tế truy vết, không chỉ quốc tế mà cả các chuyến bay nội địa khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ có F0 đi lại trên chuyến bay. Đây là minh chứng cho thấy việc di chuyển bằng đường hàng không cho đến giai đoạn này là an toàn nhất.
"Công tác tiêm chủng vaccine của Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, toàn dân. Vấn đề còn lại là làm sao để đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình tham gia chuyến bay. Có thể xây dựng bộ tiêu chí thống nhất, cụ thể, những hành khách nào có thể được đi máy bay, theo từng giai đoạn," ông Nguyễn Mạnh Quân nói.
Trên thế giới, mức quy định cao nhất để cho phép hành khách đi lại là tiêm đủ vaccine 2 mũi, có xét nghiệm trong vòng 72 tiếng trước khi xuất phát và cách ly khi tới nơi. Hiện hơn 13 triệu người Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi.
Ở giai đoạn 1 mở lại các đường bay nội địa có thể cho phép người đã tiêm đủ 2 mũi, xét nghiệm âm tính được tham gia dịch vụ vận tải hàng không, đồng thời kiểm soát chặt việc đi lại từ điểm xuất phát.
"Khi chúng ta đã làm chặt đầu vào, thì điểm đến có thể không cần quá phức tạp nữa để giảm lãng phí," lãnh đạo Bamboo Airways nêu quan điểm.
Lộ trình dần mở cửa đường bay sẽ tác động tích cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Việc mở lại các đường bay nội địa còn là cơ hội để chúng ta củng cố, chuẩn bị nguồn lực để tiến tới mở lại các đường bay quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quân nói.
Cần một bộ tiêu chí chung
Đồng quan điểm với Bamboo Airways, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Airlines - đặt ra câu hỏi: Nếu vẫn tiếp tục đóng cửa thì tiêm chủng để làm gì? Đất nước sẽ lãng phí nguồn lực, cả thời gian và tiền bạc khi toàn bộ nguồn lực đã đầu tư vào việc đưa hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không khi chủ động từ rất sớm lên kế hoạch hỏi ý kiến các đơn vị, địa phương để mở cửa hàng không. Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ nhiều vấn đề, kéo theo yêu cầu Chính phủ phải đứng ra chỉ đạo vận hành trở lại.
"Chính phủ là cơ quan cấp trên của các Bộ, cấp trên của các tỉnh và là cơ quan điều hành toàn bộ hoạt động của đất nước. Chính phủ sẽ ra quyết định và trên cơ sở quyết định đó, các tỉnh sẽ chấp hành. Nếu chúng ta không làm như vậy, các tỉnh sẽ có quy định của riêng mình. Điều này vô hình biến mỗi địa phương là một lãnh thổ và làm khó cho việc mở cửa kinh tế," đại diện Vietravel Airlines chỉ ra./.