Nhà thầu có nhiều cơ hội tham gia vào cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Cuộc đua của các nhà thầu tham gia làm cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Trong thời gian qua, hàng loạt các nhà thầu xây lắp cũng đã gửi đề xuất xin được chỉ định thi công các gói thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.
Những nhà thầu nhỏ, năng lực kinh nghiệm và nguồn tài chính yếu sẽ khó có cửa tham gia vào dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Những nhà thầu nhỏ, năng lực kinh nghiệm và nguồn tài chính yếu sẽ khó có cửa tham gia vào dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Với việc chia nhỏ thành nhiều gói thầu và đưa ra các tiêu chí sàng lọc nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh mẽ sẽ “rộng cửa” tham gia vào dự án này.

Không có “đất diễn” cho nhà thầu nhỏ, yếu

Tại văn bản báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phân chia 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu với phạm vi khoảng 20-40km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng; số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.

Trên cơ sở danh sách các nhà thầu đăng ký, bên mời thầu tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; xác định danh sách nhà thầu đủ điều kiện nhận hồ sơ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu.

Cũng phải nhắc lại, trước khi có các tiêu chí rõ ràng về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng như quy mô gói thầu vừa được Bộ Giao thông Vận tải công bố, thời gian qua, một loạt các nhà thầu cũng đã gửi đề xuất xin được chỉ định thi công các gói thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 như Tập đoàn xây dựng Xuân Trường đề xuất tham gia cao tốc Hàm Nghi-Vũng Áng; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh xin tham gia thi công đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ.

Một số nhà thầu khác gồm Trung Nam, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Licogi 16, Vinaconex… cũng đề xuất được tham gia dự án cao tốc Bắc-Nam với cam kết thi công vượt tiến độ 3-6 tháng, tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.

[Chọn nhà thầu cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 cần đảm bảo tiêu chí nào?]

Đối với kiến nghị trên, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng việc phân chia gói thầu cần hài hòa giữa các nhà thầu có lợi thế về nguồn lực, kinh nghiệm, đủ khả năng đảm nhận khối lượng công việc lớn và các nhà thầu nhỏ hơn.

Đơn cử, 10 doanh nghiệp cam kết đủ năng lực thi công gói thầu giá trị từ 5.000 tỷ trở lên thì nên nghiên cứu chia 10 gói 5.000 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhận gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên thì chia 5 gói.

“Tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp cũng cần được được xây dựng riêng đối với từng giá trị gói thầu, đảm bảo yếu tố cuối cùng là tiến độ, chất lượng,” ông Thắng nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp đang tham gia triển khai 8 gói thầu tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, đề xuất chia dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 thành 30 gói thầu giá trị từ 3.000-5.000 tỷ đồng của Bộ Giao thông Vận tải là hợp lý trong bối cảnh hiện tại. 

Đưa ra thực tiễn nếu chia các gói thầu giá trị từ 5.000-10.000 tỷ đồng sẽ hiếm có nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện, theo Đại tá Ngọc, các nhà thầu sẽ rơi vào cảnh đáp ứng tiêu chí năng lực nhưng không thể đáp ứng điều kiện doanh thu và ngược lại.

“Việc phân chia này đảm bảo sự phân cấp rõ ràng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/nhà thầu uy tín, có năng lực thi công tốt, thuận lợi trong việc đầu tư, huy động trang thiết bị và nhân lực,” ông Ngọc nói.

“Chọn mặt, gửi vàng” dựa trên dự án đã làm

Đại diện một Ban quản lý dự án cho rằng, gói thầu với giá trị 3.000-5.000 tỷ đồng và một gói thầu không quá 3 đơn vị tham gia là vừa đủ để loại bỏ những nhà thầu nhỏ ít kinh nghiệm, tạo điều kiện cho nhà thầu lớn thể hiện được năng lực, vừa giúp dự án lớn như cao tốc Bắc-Nam không bị manh mún, ảnh hưởng đến sự đồng bộ về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai.

Với cơ chế chỉ định thầu, các nhà thầu mong muốn được tham gia góp ý hồ sơ thiết kế, dự toán ngay từ đầu, trước khi phê duyệt, xem như một kênh phản biện độc lập để phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh giá cả thị trường còn nhiều biến động khó lường, phương pháp bù giá trực tiếp cũng cần được nghiên cứu áp dụng.

[Loại đấu thầu từ 3-5 năm với nhà thầu làm chậm tiến độ cao tốc Bắc Nam]

“Để ‘chọn mặt, gửi vàng’ khi chỉ định thầu thì không chỉ nhìn vào mức độ lộng lẫy của hồ sơ mà phải dựa trên chất lượng sản phẩm mà nhà thầu đã thực hiện trong quá khứ. Ở nhiều nước trên thế giới, sự tin cậy của nhà thầu được đánh giá ở những công trình rất cụ thể nhà thầu từng làm,” ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay.

Cuộc đua của các nhà thầu tham gia làm cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 ảnh 1Nhà thầu thi công dự án hầm Thung Thi đoạn cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Góp ý thêm về tiêu chí lựa chọn nhà thầu hiện đang có một phần lớn xét về giá trị hợp đồng thực hiện của nhà thầu ứng tuyển, ông Chủng nêu câu vấn đề: “Yêu cầu đặt ra là cần phải xác định hợp đồng đó họ làm công trình gì? Có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công trình cấp đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật riêng như đường cao tốc?”

Từ đó, ông Chủng gợi mở các cấp chức năng cần nghiên cứu áp dụng mô hình tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ (cầu, đường,...) có đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng tốt nhất.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết được sự cho phép của Chính phủ, việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu xây lắp sẽ đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án sớm hơn 3 tháng, rút ngắn được tiến độ chung của công trình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục