Cứu sống người bệnh nuốt cả hàm răng giả vào thực quản

Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân bị co giật, người nhà đã dùng một cây đũa ngáng miệng sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Cứu sống người bệnh nuốt cả hàm răng giả vào thực quản ảnh 1Hàm răng giả được các bác sỹ lấy ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vừa cứu sống một người bệnh nuốt phải hàm răng giả móc ngược sâu vào hạ họng, thực quản.

Ngày 3/2/2021, Bệnh nhân 70 tuổi vào viện với một tình trạng kích thích vật vã.

[Phối hợp phẫu thuật thành công bướu quái khổng lồ cho bé sơ sinh]

Theo lời người nhà kể lại, bệnh nhân bị co giật, người nhà đã dùng một cây đũa ngáng miệng sau đó được đưa vào khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp). Sau khoảng 3 giờ đồng hồ xử trí, an thần, bệnh nhân đã hồi tỉnh, đáp ứng tốt với các câu hỏi của bác sỹ.

Bệnh nhân cảm thấy nuốt đau, vướng họng, khó thở nhẹ. Sau khi hội chẩn Khoa Tai mũi họng, bệnh nhân được nội soi tai mũi họng, phát hiện dị vật là một hàm giả dạng tháo lắp, có móc kim loại ở hai đầu nằm ở vị trí hạ họng, 1 đầu kim loại móc ngược cắm sâu vào hạ họng gần xoang lê.

Các bác sỹ Khoa Tai mũi họng xét thấy đây là trường hợp dị vật rất phức tạp nên đã hội chẩn với bác sỹ răng hàm mặt để phối hợp lấy dị vật.

Sau khi hội chẩn cùng với nỗ lực của cả ê kíp tai mũi họng và răng hàm mặt đã lấy dị vật ra khỏi vùng hạ họng của bệnh nhân một cách an toàn không để xảy ra tai biến gì.

Sau khi loại bỏ hàm răng giả khỏi thực quản, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tổn thương vùng hạ họng hồi phục và ăn uống trở lại bình thường.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Bá Ngọc - Khoa Răng hàm mặt, hàm giả tháo lắp của bệnh nhân là hàm có móc kim loại, nền hàm phủ toàn bộ niêm mạc vòm khẩu cái. Các móc kim loại để móc vào các răng lưu giữ hàm. Nhưng hiện tại các răng được móc vào lưu giữ hàm đã gãy, mất, bệnh nhân vẫn cố tận dụng hàm giả để đeo dẫn đến tình trạng hàm không lưu giữ được, rơi vào vùng hạ họng.

Bác sỹ Đỗ Thế Hùng - Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng Khoa Tai mũi họng khuyến cáo người dân khi sử dụng các loại hàm giả tháo lắp được móc vào răng khi một số răng đã bị mất thì nên thay hàm giả mới vì khi đó hàm không lưu giữ được trong miệng dễ rơi. Khi bệnh nhân có tình trạng kích thích, co giật, người nhà nên tháo hàm giả ra ngay hoặc khi bệnh nhân nằm viện cần can thiệp thủ thuật gì cũng nên tháo hàm răng giả ra trước.

Để hạn chế sự cố này xảy ra, thay vì sử dụng hàm tháo lắp người dân nên sử dụng các phương pháp trồng răng cố định như cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant. Khi lỡ nuốt răng giả không nên cố mọc họng hay nuốt để trôi dị vật mà đến ngay cơ sở y tế uy tín./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục