Đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 tại một số bệnh viện

Thời gian vừa qua, trong nước đã xuất hiện các ca mắc COVID-19 xuất phát từ 2 ổ dịch tại bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.
Đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 tại một số bệnh viện ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ Binh chủng Hóa học và Bộ Tư lệnh Thủ đô phun khử khuẩn tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 12/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc làm việc trực tuyến phòng, chống dịch với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K để rà soát biện pháp chống dịch, đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian vừa qua, trong nước đã xuất hiện các ca mắc COVID-19 xuất phát từ 2 ổ dịch tại bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.

Sau khi phát hiện ca bệnh trong bệnh viện, các bệnh viện đã cố gắng, tập trung với mức độ cao nhất để khoanh vùng, dập dịch. "Thực tế đến nay, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện," Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.  

Từ kinh nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Bộ phải đánh giá nghiêm túc, rà soát lại công tác phòng, chống dịch bệnh trong bệnh viện.

Các bệnh viện cần phải kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, Giám đốc bệnh viện phải là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. "Chúng ta phải có kế hoạch mới làm được. Không phải cứ chờ sau khi có dịch mới chạy theo."

Trong kế hoạch phải đưa ra các tình huống cụ thể từ không có ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh… và cần thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ."

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện phải chuẩn bị phải sẵn sàng cơ sở vật chất chuẩn bị thu dung bệnh nhân COVID-19.

[Hà Nam: Người đứng đầu đơn vị sẽ bị kỷ luật nếu để lây lan dịch bệnh]

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân, phải rà soát lại quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện các khu điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo, lây nhiễm ra cộng đồng.

Dịch hiện nay đã lan ra 26 tỉnh, thành, nhưng có 3 tỉnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc rất cần hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng sớm tham mưu để có tổ công tác về các địa phương "hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, cứ không phải xuống tăng cường, không cắm chốt" như ở Hải Dương hay Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát lại công tác sàng lọc trong bệnh viện; trong sàng lọc, định kỳ ít nhất 7 ngày phải xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ như bộ phận tiếp đón bệnh nhân, khoa khám bệnh, cấp cứu, thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm.

"Dứt khoát sàng lọc đối tượng nguy cơ, tiến tới sàng lọc toàn bộ nhân viên, người bệnh trong bệnh viện."

Trong đợt dịch này, trên 80% bệnh nhân COVID-19 không phải thở máy. Bệnh nhân mắc COVID-19 chủ yếu dùng thuốc giảm triệu chứng, dinh dưỡng, nâng cao thể lực để chống lại virus.

Đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 tại một số bệnh viện ảnh 2Toàn cảnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cách ly y tế từ ngày 5/5 đến ngày 19/5. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Khi cơ thể khỏe mạnh, nâng cao thể trạng khi đó bệnh sẽ khỏi sau khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, do biến thể virus mới vẫn đang được nghiên cứu, nên Việt Nam đã nâng số ngày cách ly lên 21 ngày.

Số ngày cách ly này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu các bệnh viện thường xuyên nhắc nhở nhân viên, người nhà, bệnh nhân; mỗi cơ sở y tế cần có hệ thống phát thanh để nhắc nhở những nơi đông người như phòng khám, yêu cầu thực hiện 5K, tránh tụ tập; đồng thời rà soát quy chế ra, vào thăm bệnh nhân; có thời gian cụ thể, hạn chế người thăm bệnh.  

Tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tới sáng 12/5, cơ sở 2 của Bệnh viện đang điều trị 284 bệnh nhân dương tính. Trong số các bệnh nhân COVID-19 có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng.

Với số lượng người đang điều trị, cách ly trong bệnh viện đông, mật độ dày, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bày tỏ mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường (không mắc COVID-19) nặng và không nặng đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác.

“Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần, chỉ mong "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới”.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, giải trình tự gene cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ đã xâm nhập cơ sở y tế này. Đa số người mắc không có triệu chứng, do đó, việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. 

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đến nay các khu mắc bệnh đều nằm ở khu kiểm soát, cách ly. Khả năng trong tuần này, Bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân COVID-19.

Tại Bệnh viện K, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện thông tin, đến nay, số ca bệnh COVID-19 liên quan Bệnh viện K là 19 người, gồm 12 bệnh nhân, người nhà (phát hiện trong bệnh viện) và 7 trường hợp trong khu cách ly ở Hà Nội. 

Ngoài xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên, các khoa có nguy cơ cao đã xét nghiệm lần 2, lần 3. Hiện tại, Khoa Ngoại gan - mật - tụy không phát hiện thêm ca bệnh nào trong viện. Người dương tính với SARS-CoV-2 là những trường hợp F1 trong khu cách ly.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Quảng cũng chia sẻ việc sàng lọc người vào bệnh viện rất khó khăn vì không có triệu chứng. Nếu chỉ đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, bệnh viện rất khó phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2.

Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và cơ sở 2 (Tam Hiệp)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục