Chiều tối 1/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau 1 tháng nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhiều vấn đề dư luận quan tâm như tiêm vaccine cho trẻ 12 đến 17 tuổi, người lao động quay trở lại thành phố làm việc, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 và việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại được đại diện các sở, ngành thông tin.
Đã có hơn 445.000 trẻ đã được tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, sau 4 ngày triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, hơn 445.000 trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm.
Trước đó, Thành phố triển khai tiêm vaccine mũi 1 từ ngày 28/10, riêng quận 1 và huyện Củ Chi triển khai tiêm từ ngày 27/10. Dự kiến, thành phố sẽ hoàn thành tiêm mũi 1 trong 5 ngày và tiêm vét trong 2 ngày. Thành phố Hồ Chí Minh thống kê có khoảng 780.000 trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn cần tiêm vaccine.
Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), ở đợt tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi lần này, thành phố chỉ triển khai tiêm cho các em đủ 12 tuổi và dưới 18 tuổi. Sau đợt tiêm, thành phố sẽ tiến hành rà soát lại để đảm bảo quyền lợi cho các em. Những em đang trong thời gian cách ly sẽ được xem xét tiêm lại khi kết thúc cách ly.
Liên quan đến thông tin một số trường học trên địa bàn quận Bình Tân thuyết phục phụ huynh cho triển khai tiêm giảm liều đối với học sinh lớp 6 chưa đủ 12 tuổi để đạt độ phủ vaccine.
Về việc này, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine và Bộ Y tế, thành phố chỉ tiêm cho trẻ đủ 12 đến 17 tuổi, không có chuyện cho tiêm giảm liều.
[Những điều cần lưu ý khi đưa trẻ em đi tiêm vaccine ngừa COVID-19]
Về việc cho học sinh quay lại trường học, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế thành phố trao đổi vấn đề về chuyên môn, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn 4728 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, ngành Giáo dục thành phố đang phối hợp Sở Y tế khẩn trương thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi 12-17 tuổi. Đến nay, việc tiêm chủng đã hoàn thành 50% kế hoạch. Khi thành phố triển khai học tập trung trở lại, các trường hợp học sinh chưa đủ 12 tuổi sẽ lập danh sách tại phường để được hỗ trợ. Học sinh chưa tiêm vì nhiều lý do như bệnh lý, chưa đủ tuổi vẫn được tham gia học tập trung.
Về việc hoàn trả trường học sau thời gian trưng dụng để phòng, chống dịch COVID-19, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, có 236 cơ sở trường học được trưng dụng để chống dịch chưa được trao trả, trong đó có 31 trường Trung học Phổ thông. Dự kiến việc trao trả các cơ sở này sẽ diễn ra trong tháng 11/2021.
Sở cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra, đề nghị các quận, huyện phối hợp với các phòng chuyên môn liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát và xây dựng phương án sửa chữa cơ sở vật chất tại các trường, đề cao yếu tố an toàn để học sinh sớm được đi học lại.
Trước đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết kinh phí tu sửa trường lớp sau khi được trưng dụng phòng, chống dịch sẽ không lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của trường mà được Ủy ban Nhân dân thành phố ưu tiên. Khi được bàn giao, các trường sẽ tính toán dự trù kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để gửi về Sở. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính sẽ tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét.
Áp dụng quy trình phát hiện, xử lý người mắc COVID-19 mới tại cộng đồng
Liên quan kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 cho cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cao vào 2 tháng cuối năm nay, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay Sở đã đề xuất với Bộ Y tế về việc này và đang chờ Bộ xem xét.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thành phố đang dành lượng vaccine ưu tiên cho sinh viên, công nhân địa phương; sinh viên, công nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác và học sinh 12-17 tuổi. Riêng đối với trẻ em trên 3 tuổi, ngành Y tế thành phố đang lập kế hoạch chi tiết để gửi Bộ Y tế xin chỉ đạo loại vaccine phù hợp.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết thành phố đang áp dụng quy trình phát hiện và xử lý người mắc COVID-19 mới tại cộng đồng. Với ổ dịch gia đình, cả hộ sẽ được làm xét nghiệm vào ngày đầu tiên phát hiện ca nhiễm và thực hiện cách ly 14 ngày. Nếu là ổ dịch cộng đồng thì tiến hành phong tỏa trong vòng 24 giờ để điều tra, truy vết, đánh giá mức độ nguy cơ. Tùy theo mức độ nguy cơ sẽ có các biện pháp can thiệp phù hợp. Hoạt động xét nghiệm được tổ chức thích ứng với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tại các khu vực nguy cơ, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ.
Đối với những câu hỏi về phương án ứng phó nếu xảy ra đợt bùng phát dịch mới tại thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, tuy Thành phố Hồ Chí Minh đã qua đỉnh của đợt dịch 4, chuyển sang thời kỳ mới của công tác phòng chống dịch nhưng ngành Y tế thành phố vẫn đang cùng chuyên gia của Bộ Y tế tiếp tục theo dõi diễn biến của các biến chủng virus COVID-19 mới.
Cơ sở nghiên cứu COVID-19 đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy mẫu chính xác để tầm soát xem các biến chủng mới đã có ở Việt Nam chưa, nghiên cứu giải mã gen đối để hiểu rõ đặc tính của các loại biến chủng này, từ đó lên phương án ứng phó.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, từ thực tiễn 4 đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã rút ra nhiều kinh nghiệm để áp dụng khi có sự cố xảy ra vào đợt dịch sau. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện công tác truyền thông đến người dân không được chủ quan lơ là, đảm bảo thực hiện đầy đủ 5K của Bộ Y tế và các nguyên tắc phòng dịch, không nghĩ dịch đã ổn hay chấm dứt.
Số doanh nghiệp hoạt động trở lại đạt hơn 95%
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 1/11/2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại sau khi kết thúc giãn cách xã hội tại các khu chế xuất trên địa bàn là 1.342/1.412 doanh nghiệp (đạt 95%) với 216.000/288.000 lao động đang làm việc (đạt 75%).
Tại khu công nghệ cao, có 88/88 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại (đạt 100%) với 145.000 lao động, đạt 84%. Với các doanh nghiệp ở ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, hiện đã có hơn 6.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với các quận, huyện.
Về việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong tiến trình tiến tới "bình thường mới," thành phố đang có các tính toán, định hướng về chính sách an sinh xã hội để không chỉ giải quyết tình huống khẩn cấp mà còn giải quyết căn cơ, lâu dài. Theo đó, Nghị quyết 05 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 8 đã xác định chiến lược y tế là trụ cột, chiến lược kinh tế là then chốt và chiến lược về xã hội là trọng yếu.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và để giải quyết căn cơ tình hình an sinh xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đây là nỗ lực của toàn thành phố, trong đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở đóng vai trò then chốt.
Song song đó, thành phố sẽ thúc đẩy có hiệu quả về vấn đề lao động-việc làm bằng các giải pháp phù hợp hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc sản xuất; đảm bảo chăm lo đào tạo nghề để bồi dưỡng lao động chất lượng cao, làm ra những sản phẩm chất lượng; triển khai áp dụng chiến lược khoa học công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy quá trình tái sản xuất và các hoạt động khác của toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân với thông điệp rõ ràng, nhất quán.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đang ở cấp độ 2, tỷ lệ vùng xanh đạt 45%. Trong 22 địa phương, có 9 địa phương thuộc cấp độ 2 (vùng cam, nguy cơ trung bình) gồm các quận 3, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn. Thành phố Thủ Đức và 12 quận, huyện còn lại thuộc cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp).
Đáng chú ý, so với 1 tuần trước đây, cấp độ dịch ở một số địa phương đã có sự thay đổi. Cụ thể, quận Bình Tân từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2, quận Tân Phú từ cấp độ 2 sang cấp 1. Như vậy có thể thấy tình hình dịch tại 2 quận này có những chuyển biến tích cực sau 1 tuần.
Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sở, ngành, các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố để triển khai biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách./.