Đã đến thời điểm cần cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới?

Giới phê bình ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác đều cho rằng điều này sẽ đánh dấu sự sụp đổ của WTO và đẩy thế giới quay trở lại trạng thái kinh tế tự nhiên như thời kỳ những năm 1930.
Đã đến thời điểm cần cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới? ảnh 1WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. (Nguồn: AFP)

Theo Wall Street Journal, Mỹ đang ngăn cản việc bổ nhiệm nhân sự cho cơ quan phúc thẩm thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan phúc thẩm này có thể ngừng hoạt động vào ngày 10/12 tới đây do không có đủ thành viên.

Giới phê bình ở châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác đều cho rằng điều này sẽ đánh dấu sự sụp đổ của WTO và đẩy thế giới quay trở lại trạng thái kinh tế tự nhiên như thời kỳ những năm 1930. Vậy mục đích của hành động nói trên của Mỹ là gì? Liệu có phải Mỹ đang tìm cách cải tổ WTO?

Theo Wall Street Journal, WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. Thứ nhất, thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công.

[Canada: WTO có nguy cơ 'tê liệt' nếu không nhanh chóng thay đổi]

Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển, nhất là Trung Quốc, vốn lợi dụng mác nước đang phát triển để sử dụng các ngân hàng và ngân quỹ do nhà nước kiểm soát để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp mà không sợ vi phạm quy tắc WTO.

Thứ ba, từ thời Chính quyền Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của họ. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên. Cơ quan này thậm chí gần đây còn lên tiếng đòi hỏi quyền yêu cầu làm sáng tỏ khi các quốc gia được phép khẳng định lợi ích an ninh quốc gia để hạn chế đầu tư và thương mại.

Giới phê bình ở châu Âu cho rằng Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang lợi dụng những điều này và các vấn đề quan ngại kỹ thuật để tìm cách cải tổ cơ quan này. Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản và châu Âu để xây dựng các quy tắc mới áp dụng cho nền kinh tế hiện đại, bao gồm giới hạn đối với việc chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước.

Tuy nhiên, những khác biệt căn bản giữa Mỹ và châu Âu đang đe dọa ngăn cản tiến trình này. Một điểm đáng lưu ý là châu Âu đang cân nhắc các chương trình mới để hỗ trợ các công ty hàng đầu quốc gia về điện toán đám mây và công nghiệp để cạnh tranh với các công ty của Mỹ và Trung Quốc. Điều này đã làm chậm tiến trình xây dựng các quy tắc mới về doanh nghiệp nhà nước.

Ở mức độ sâu hơn, châu Âu mong muốn một hệ thống mà các chuyên gia kỹ thuật sẽ xây dựng các quy tắc. Trong khi đó, Mỹ lại thích thực hiện thông qua các cuộc đàm phán. Sự tranh cãi về cơ quan phúc thẩm WTO đã phản ánh những quan điểm trái ngược này.

Theo giới phân tích, bất chấp những khác biệt giữa Mỹ và châu ÂU, sẽ thật sai lầm khi cho rằng trật tự thương mại tự do được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai sẽ bị sụp đổ nếu như cơ quan phúc thẩm WTO bị dừng hoạt động và các bế tắc về những quy tắc mới.

Như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng nói, nếu như WTO không tồn tại, chúng ta sẽ phải phát minh ra nó. Thành công kinh tế thời hậu chiến là nhờ một thỏa thuận vĩ đại đối với trật tự thương mại toàn cầu được thành lập vào năm 1948 và sự thịnh vượng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các quy tắc thương mại công bằng và có tính thực thi cao.

Tuy vậy, những tiến triển về cải cách WTO sẽ phải đợi đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và châu Âu cũng không nên ảo tưởng. Cho dù ai là chủ nhân Nhà Trắng vào năm 2021, chính sách của Mỹ đối với các quy tắc thương mại toàn cầu có lẽ sẽ không thay đổi định hướng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.