Đà Lạt cương quyết cưỡng chế các công trình trái phép tại biệt thự cổ

Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết sau ngày 15/3, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ, cơ quan chức năng địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế.

Trong những ngày qua, một số cơ quan báo chí thông tin về vụ việc phần đất sân vườn trong khuôn viên ngôi biệt thự cổ số 22, đường Hùng Vương, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), bị chủ đầu tư giả mạo hồ sơ để được cấp giấy phép xây dựng, phá nát cảnh quan du lịch cần bảo tồn.

Chiều 5/3, trong cuộc giao ban báo chí tháng 3/2018, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết sau ngày 15/3, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ, cơ quan chức năng địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế.


[Sẽ tháo dỡ tượng Bà Chúa Xứ xây dựng trái phép trên Núi Sam]

Khu biệt thực cổ 22 Hùng Vương một phần thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt theo hình thức cổ phần. Trong đó, Công ty này sở hữu ngôi biệt thự cổ; phần đất trong khuôn viên biệt thự do Nhà nước quản lý và cho Công ty này thuê lại. Trên Quyết định số 1473/QĐ-UBND ngày 5/7/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi: “Diện tích đất được điều chỉnh nêu trên chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”. Sở dĩ có những quy định chặt chẽ như vậy bởi vị trí lô đất 22 Hùng Vương thuộc khu đô thị phía Đông và quy hoạch là “đất ở cải tạo chỉnh trang” thuộc khu vực vành đai “trục di sản Đông- Tây.” 

Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt dùng “thủ thuật” qua mặt Sở Xây dựng Lâm Đồng để được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Tháng 7/2017, Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn và đến tháng 8/2017 thì được Sở cấp phép. Theo quy định, chủ đầu tư phải nộp bản sao có công chứng của cơ quan chức năng hoặc bản photocopy sau khi được bộ phận một cửa đối chiếu với hồ sơ gốc. Tuy nhiên, trong hồ sơ do chủ đầu tư nộp đã bị giả mạo, xóa nội dung quy định về việc “… chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình.”

Sau khi có giấy phép xây dựng, Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt đã cho một số tổ chức, cá nhân thuê lại khuôn viên của ngôi biệt thự cổ, xây dựng bừa bãi, phá nát cảnh quan của một công trình xây dựng cổ cần được bảo tồn và lưu giữ này. Các công trình xây dựng lộn xộn trên diện tích này được sử dụng làm quán ăn, nhà trọ, quán cà phê, kinh doanh cây cảnh… khiến người dân bức xúc.

Đầu tháng 2/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Xây dựng phải thu hồi Giấy phép xây dựng nói trên. Nguyên nhân do việc cấp phép xây dựng không đúng quy định và trái với Quyết định số 1473 về việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất thuộc khuôn viên 3 biệt thự tại thành phố Đà Lạt (trong đó có biệt thự 22 Hùng Vương) của Công ty Cổ phần địa ốc Đà Lạt.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng đình chỉ các công trình xây dựng nói trên; yêu cầu công an tỉnh điều tra làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng phải giải trình rõ việc cấp phép xây dựng, công tác quản lý xây dựng và các vấn đề có liên quan, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong khuôn viên ngôi biệt thự cổ và tiếp tục tập kết vật liệu xây dựng tại khu vực này…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.