Sau hơn 30 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, Đà Nẵng cơ bản “sạch” COVID-19, chính thức trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động thiết yếu dần được cho mở cửa trở lại.
Nhưng niềm vui chưa kéo dài bao lâu, đến chiều 18/6, Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng. Không khí căng thẳng bao trùm toàn thành phố, lực lượng tuyến đầu và người dân lại thêm lần nữa lao vào trận chiến chống dịch.
Kiên cường, kinh nghiệm trước đại dịch
Ngày 3/5, Đà Nẵng ghi nhận ca COVID-19 ngoài cộng đồng, đó là bệnh nhân số 2982 (làm nhân viên bán vé spa khách sạn Phú An, đường 2-9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Ngay khi nhận thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn đề ra các biện pháp phòng, chống dịch.
Với những kinh nghiệm rút ra từ các đợt dịch trước, thành phố khẩn trương khoanh vùng, thực hiện phong tỏa cứng, mềm các điểm nóng, kích hoạt Tổ COVID-19 cộng đồng, thành lập các khu cách ly tập trung tại các quận, huyện. Đặc biệt, Đà Nẵng đã huy động nguồn lực khẩn trương xét nghiệm rộng tại các điểm nóng, với từng đối tượng có nguy cơ cao.
Đáng chú ý, vào ngày 11/5, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 là chị N.T.N., nhân viên trực Tổng đài Công ty cổ phần Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng (sinh năm 1996, trú tại đường Nguyễn Khắc Cần, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), không rõ nguồn lây.
Sáng 12/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng thông tin về 35 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 tại quận Sơn Trà. Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 này đều là F1 của chị N.T.N.
[Tối 25/6, thêm 94 ca mắc trong nước, đã thực hiện 2,9 triệu liều tiêm]
Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức họp khẩn, yêu cầu quận Sơn Trà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa tạm thời, xét nghiệm toàn bộ công dân và người dân xung quanh khu công nghiệp này.
Sau 2 đêm làm việc khẩn trương, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm cho gần 11.500 người là công nhân và người dân xung quanh Khu Công nghiệp Đà Nẵng. Cùng với đó, công tác khoanh vùng, truy vết F1, F2 được thực hiện song hành.
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch lần này, Đà Nẵng đã thực hiện mục tiêu kép là vừa phục hồi phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch và không thực hiện phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh, thành phố đã ban hành quy định xử phạt những hành vi vi phạm phòng, chống dịch; đồng thời, có quyết định tạm dừng một hoạt động thiết yếu như dịch vụ ăn uống tại chỗ, tắm biển, thể thao đông người, lễ hội, dịch vụ vận tải grap, taxi, shipper; thực hiện phát phiếu đi chợ theo tần suất trong tuần...
Ngoài ra, để khống chế dịch nhanh chóng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các buổi họp trực tuyến hàng ngày vào các buổi chiều. Qua các cuộc họp này, lãnh đạo thành phố nắm được thông tin phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị và từ đó đưa ra những chỉ đạo kịp thời, nhanh gọn.
Với việc xác định chính xác đối tượng có nguy cơ cao, phân tích rõ nguồn lây, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch. Để rà soát, đánh giá tình hình dịch của toàn thành phố, Đà Nẵng sử dụng “tuyệt chiêu” của mình đó là thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu các quận huyện nâng tốc độ lấy mẫu, áp chỉ tiêu cho từng quận, huyện lấy mẫu trong ngày, không để chậm giây phút nào trong phòng dịch. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu CDC Đà Nẵng thần tốc thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng các phương pháp gộp mẫu 10, 20 tùy vào từng đối tượng.
Với những cách làm như vậy, Đà Nẵng đã xét nghiệm nhanh chóng, vượt chỉ tiêu đề ra; đặc biệt, trong ngày 13/5 thành phố thực hiện xét nghiệm 22.844 mẫu (đạt số lượng xét nghiệm cao nhất trong một ngày từ trước đến nay mà thành phố thực hiện được).
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng phân tích, đợt dịch này lây lan trong độ tuổi trẻ khoảng từ 18 – 35 và chủ yếu trong ngành dịch vụ; có diễn biến và dấu hiệu bệnh rõ. Nguồn lây nhiễm tập trung tại các điểm nóng như Thẫm mỹ viện Amida, Bar Phương Đông, Khu Công nghiệp Đà Nẵng (Khu Công nghiệp An Đồn), Khách sạn Phú An.
Với những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, hiệu quả, tính đến ngày 17/6, Đà Nẵng đã giữ được 31 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Còn những lỗ hỏng trong cuộc chiến chống dịch
Sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngày 18/6, Đà Nẵng thêm lần nữa ghi nhận một ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng là ông N.V.H có mã số bệnh nhân 12437. Nguồn lây của bệnh nhân 12437 xuất phát từ người giao hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng thông tin, bệnh nhân 12437 có tiếp xúc với 3 người giao hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong 3 người này có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đó là bệnh nhân 12190.
Trong ngày 10/6, 3 người này vào Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng, đi qua chốt kiểm dịch ở Quốc lộ 1A nhưng không có lực lượng chức năng chặn lại. Xe này đi thẳng đến Công ty nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) giao hàng, sau đó về lại Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 2 giờ cùng ngày.
Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng để xảy ra vụ việc này, xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan là chính. Nếu xe tải từ Thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát, thì sẽ không có khả năng để xảy ra chu kỳ lây nhiễm trong những ngày qua và chúng ta không có hậu quả lớn như thế này.”
Trước đó, trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố luôn nhận định đợt dịch này không giống như lần trước, bởi tình dịch COVID-19 trên cả nước rất phức tạp. Đà Nẵng đã “sạch” COVID-19 trong nội đô thành phố, nhưng nguy cơ dịch lây nhiễm từ bên ngoài vẫn còn rất cao.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thường xuyên yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương không được chủ quan, lơ là, đặc biệt các lực lượng làm việc ở chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào thành phố phải luôn kiểm soát chặt chẽ, không để lọt trường hợp nào từ vùng dịch vào thành phố.
Việc kiểm soát dịch chặt từ bên ngoài, đặc biệt tại các chốt kiểm dịch là yếu tố để giữ cho thành phố “sạch” COVID-19 đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và có những lưu ý cảnh giác.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, việc kiểm soát con người rất khó, do vậy phải có cơ chế, quy định hướng dẫn rõ ràng, giám sát chặt chẽ từng người, đối tượng. Đơn cử như các xe vận tải từ vùng dịch vào thành phố phải kiểm soát từng người, yêu cầu lái xe tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch và có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện, tất cả các chốt kiểm soát dịch bệnh Đà Nẵng đều triển khai khai báo y tế online, kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra khai báo tự động theo mã QR. Tuy nhiên, rất nhiều tài xế chưa chủ động thực hiện khai báo online nên dẫn đến kẹt xe kéo dài. Nguyên nhân là do các tài xế không thực hiện khai báo y tế điện tử trước mà đến chốt kiểm dịch mới truy cập để khai báo.
Theo Trung tá Võ Cư, Phó trưởng trạm Cảnh sát giao thông Hòa Phước, hiện nay, việc khai báo y tế và kiểm tra mã khai báo đều được thực hiện tự động. Tuy nhiên, nhiều tài xế còn bị động, chỉ đợi tới chốt mới bắt đầu khai báo.
Ngoài lỗ hỏng ở các chốt kiểm dịch, điều đáng lưu ý là một số bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Trước khi có ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận vào ngày 18/6, các quán ăn uống mở lại, người dân vẫn rất chủ quan, tụ tập đông người vi phạm Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Một số quán nước, nhà hàng có người ngồi chật cứng, chen nhau ăn uống, mở vượt quá 21 giờ theo quy định của Đà Nẵng. Mặc dù, tình hình vi phạm diễn ra ở nhiều nơi nhưng một số chính quyền địa phương vẫn thờ ơ, không có biện pháp xử phạt quyết liệt.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, so với tình hình thực tế, việc xử phạt vẫn còn ít. Nếu những quy định đề ra không thực hiện nghiêm, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp khó khăn, không tạo ý thức cho người dân.
Ngoài những vấn đề trên, công tác quản lý người cách ly tại nhà, một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm ngặt. Đơn cử, trong chiều 22/6, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 là chị N.T.C. (sinh năm 1991, trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Trước đó, chị N.T.C. có đi mua cơm tại quán của vợ bệnh nhân số 12437.
Trường hợp này đã được địa phương bắt buộc cách ly tại nhà, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, do đau mỏi người, nên chị N.T.C. đã tự ý đi đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng để khám, xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hay như tại khu tam giác điểm nóng dịch bệnh Hoàng Hoa Thám-Lê Duẩn-Lý Thái Tổ, người dân vẫn còn rất chủ quan, mặc dù hiểu rõ nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trong những ngày qua, sau khi kiểm tra công tác kiểm soát dịch tại khu vực tam giác, cho thấy có nhiều yếu tố có thể gây lây lan dịch trong khu vực này, như việc một số người dân vẫn tụ tập, không mang khẩu trang; vẫn có tình trạng mua bán giữa trong và ngoài, điều này có nguy cơ phát tán lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài khu tam giác...
Tính từ ngày 18/6 đến 17 giờ ngày 23/6, Đà Nẵng ghi nhận 62 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, có liên quan đến bệnh nhân 12437 (bệnh nhân đầu tiên tính từ ngày 18/6). Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa 10 điểm nóng trên địa bàn 9 phường, 4 quận. Trong đó, phong tỏa khu vực tam giác Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ, biến khu tam giác này thành nơi cách ly tập trung, thực hiện như Chỉ thị 16 của Chính phủ./.