Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 19/7, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021.
Kế hoạch số 135/KH-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký, đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đầy đủ, rõ ràng, tạo điều kiện cho việc hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động nhanh nhất.
Nguyên tắc hỗ trợ là: mỗi hộ kinh doanh, người lao động, đối tượng chỉ được nhận một suất hỗ trợ cao nhất; đối với đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng, nếu đủ tiêu chuẩn nhiều suất hỗ trợ thì chỉ được nhận một suất hỗ trợ cao nhất.
Kế hoạch nêu rõ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thành phố Đà Nẵng phải phối hợp chặt chẽ theo trình tự, quy định; không để chồng chéo, chậm tiến độ khi giải quyết hỗ trợ cho các đối tượng và mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh 11 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, thành phố Đà Nẵng có chính sách riêng để hỗ trợ 2 nhóm đối tượng là: người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
[Giáo hội Phật giáo kêu gọi tăng ni, phật tử cấm túc, ủng hộ chống dịch]
Trong nhóm đầu tiên, người có công cách mạng bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên sẽ được hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/lần. Người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng được hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/lần.
Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố (kể cả còn sức lao động và không còn sức lao động) có tên trong danh sách được UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ: 500.000 đồng/người/lần.
Trong nhóm đối tượng thứ 2, những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, bao gồm: giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch; lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố; lái xe, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn thành phố; làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch; làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số... sẽ được nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng/người và chỉ được nhận 1 lần.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giao Chủ tịch UBND các quận, huyện thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng người có công cách mạng, bảo trợ xã hội và danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sở Tài chính được giao tham mưu UBND thành phố chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện hỗ trợ theo các văn bản quy định hiện hành và theo Kế hoạch này, tham mưu UBND thành phố báo cáo Bộ Tài chính đề nghị cấp bổ sung kinh phí cho địa phương theo quy định. Đồng thời, giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng thành lập Tổ giúp việc triển khai Kế hoạch này (lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng), phối hợp cùng các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan./.