Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 7/3, địa bàn Thủ đô đã có 9 ca mắc bệnh ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.
Đáng lưu ý, qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, dễ lây lan và thường tăng vào mùa Đông-Xuân.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi), mũi 2 khi 3 tháng tuổi, mũi 3 khi 4 tháng tuổi, mũi 4 lúc 18 tháng tuổi. Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà trẻ, lớp học, nhà ở sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Người lớn cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày. Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.
Bên cạnh đó, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người.
Từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn thành phố chưa ghi nhận ca bệnh dại trên người nhưng đã ghi nhận một ổ dịch trên chó tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh; 6 người dân bị chó mắc dại cắn. Sau đó, các trường hợp này đều được tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, cả người hay động vật đều tử vong.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 909/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về tình hình bệnh dại và biện pháp phòng, chống để người dân áp dụng, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng.
Người dân cần chủ động chia sẻ thông tin với Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện, nhận được thông tin về các trường hợp bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; phối hợp với Chi cục để điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.
Các đơn vị liên quan tuyên truyền người dân hạn chế nuôi chó mèo, không thả rông chó mèo; chó mèo phải được đeo rọ mõm khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chú trọng việc xử lý vết thương đúng cách (không khâu vết thương khi chưa xử trí tiêm huyết thanh kháng dại) và tư vấn, hướng dẫn người bệnh điều trị dự phòng bệnh dại tại các điểm tiêm phòng...
Bên cạnh đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người; tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn; củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân, đảm bảo việc dễ tiếp cận vaccine phòng bệnh cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời./.
Hà Nội: Xuất hiện trường hợp mắc ho gà đầu tiên trong năm 2023
Trường hợp mắc bệnh ho gà là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, nữ, có địa chỉ tại Đan Phượng, khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn.